+Aa-
    Zalo

    10 người chết trong vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam, ai phải bồi thường?

    • DSPL
    ĐS&PL Nếu tai nạn do lỗi của tài xế mà người này đã chết thì cơ quan chức năng có thể không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra.

    Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Quảng Nam khiến 10 người tử vong và 11 người bị thương.

    10 nguoi chet trong vu tai nan tham khoc o quang nam ai phai boi thuong
    Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam.

    Vụ tai nạn giữa xe khách 16 chỗ ngồi và xe container xảy ra vào hồi 3 giờ 41 phút sáng 14/2, tại ngã tư giao nhau giữa đường Võ Chí Công và đường Hậu cần Cảng Tam Hiệp (thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành).

    Thời điểm trên, ông Phạm Đức Hậu (SN 1975; trú xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển xe khách 16 chỗ ngồi lưu thông trên đường Võ Chí Công theo hướng từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng, chở theo 20 người đã va chạm với xe container do Trần Minh Nhật (SN 1982; trú xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) điều khiển, trên đường hậu cần Cảng Tam Hiệp theo hướng từ Quốc lộ 1 đi Cảng Tam Hiệp.

    Vụ tai nạn khiến 10 người trên xe khách tử vong, gồm cả tài xế Hậu, 11 người khác bị thương.

    Câu hỏi đặt ra, trường hợp lái xe cùng là chủ xe chết trong vụ tai nạn thì trách nhiệm bồi thường được giải quyết ra sao?

    Trao đổi với PV, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Căn cứ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (chủ xe) đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

    Chủ xe, người sử dụng xe phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    “Nếu chủ xe đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, Luật sư Ngọc Anh cho biết.

    Cùng có ý kiến về sự việc trên, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Cơ quan chức năng sẽ phải điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và xác định mức độ lỗi của mỗi bên.

    Trường hợp xác định đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nếu lái xe khách chở vượt quá số người quy định, vượt quá tốc độ cho phép, gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong có thể bị xử lý hình sự về Tội phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

    Tuy nhiên, lái xe đã tử vong trong vụ tai nạn nên căn cứ theo Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, cơ quan chức năng có thể không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015.

    “Nếu tai nạn hoàn toàn do lỗi của lái xe nhưng người này đã tử vong thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản thừa kế mà người đã chết để lại”, Luật sư Việt cho hay.

    Cụ thể, thiệt hại được bồi thường sẽ gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí cho việc mai táng và các chi phí hợp lý khác.

    Tư Viễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10-nguoi-chet-trong-vu-tai-nan-tham-khoc-o-quang-nam-ai-phai-boi-thuong-a566003.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan