+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ nêu 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng

    ĐS&PL Nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

    Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái (54.219/21), số ca mắc tăng 4,8 lần, còn số ca tử vong tăng 81 trường hợp.

    Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến.

    Riêng ở Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, TP còn ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện.

    Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

    Trong khi đó, ở TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 9/10 đã ghi nhận 64.461 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 627,6% so với cùng kỳ năm 2021. TP.HCM có 26 ca tử vong, trong đó 75% số ca tử vong là người lớn.

    bac si neu 3 sai lam thuong gap khien benh nhan sot xuat huyet tro nang
    Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 tử vong. Ảnh minh họa: Tri Thức Trực Tuyến

    Sai lầm khiến bệnh trở nặng, thậm chí gây tử vong

    VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp – Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, có 3 sai lầm thường gặp khiến người nhiễm virus Dengue trở nặng, thậm chí tử vong.  

    Chủ quan không đi khám bệnh

    Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ gồm nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Tuy mắc độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

    Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

    Nghĩ hết sốt là khỏi bệnh

    Sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2 – 7 ngày, đa số bệnh nhân đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

    Tùy vào mức độ và biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Do đó, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao, người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

    Nghĩ chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần trong đời

    Nhiều bệnh nhân sốt cao đến bệnh viện thăm khám, khi được bác sĩ thông báo mắc sốt xuất huyết thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng đã từng mắc rồi nên không mắc lại, coi thường các biện pháp dự phòng.

    Trên thực tế, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 chủng được ký hiệu D1, D2, D3 và D4. Nếu mắc chủng này rồi thì vẫn có thể mắc chủng khác, có nghĩa mỗi người có khả năng mắc sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời.

    Ngoài những sai lầm trên, việc tự ý sử dụng thuốc điều trị cũng dễ khiến sốt xuất huyết trở nặng. Theo ThS.BS Hà Huy Tình – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, khi mới bắt đầu điều trị, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Hành động này vô cùng nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…

    Ở một số trường hợp khác, để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh, nhân viên nhà thuốc đã kê thêm các loại thuốc có thành phần corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh.

    Với sốt xuất huyết, tuyệt đối không dùng ibuprofen và aspirin để hạ sốt vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ Tình khuyến cáo, khi có vấn đề về sức khỏe phải đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân, kiểm tra kỹ các dấu hiệu cảnh báo… Nếu bị sốt thì cần uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý tăng hay bớt liều, sốt xuất huyết chống chỉ định với corticoid nên không được tự ý sử dụng loại thuốc này.

    Cần làm gì khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết?

    Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

    - Nằm nghỉ ngơi

    - Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước/ngày.

    - Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh.

    - Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, dù không có diễn biến bất thường thì vẫn cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-neu-3-sai-lam-thuong-gap-khien-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tro-nang-a554806.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan