+Aa-
    Zalo

    Băn khoăn test nhanh Covid-19 không chính xác, Phó Giáo sư đầu ngành y lên tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi có những trường hợp xét nghiệm nhanh (hay thường gọi là test nhanh) Covid-19 âm tính rồi lại dương tính hoặc ngược lại

    Sau khi có những trường hợp xét nghiệm nhanh (hay thường gọi là test nhanh) Covid-19 âm tính rồi lại dương tính hoặc ngược lại, dư luận đã dấy lên lo ngại về tính chính xác của phương pháp này, thậm chí đã có ý kiến đề nghị dừng test nhanh vì thiếu tin tưởng.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội và một số địa phương trên cả nước tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19. Tuy nhiên, những kết quả trả về từ test nhanh khiến nhiều người lo ngại rằng kết quả này không thật sự chính xác. Là một người có nhiều băn khoăn về độ chính xác của phương pháp test nhanh này, PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội đã có cuộc trao đổi sâu hơn với PV tạp chí ĐS&PL.

    PV: Thưa ông, là một người công tác trong ngành y, vậy, tại sao cá nhân ông lại băn khoăn về test nhanh do trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện?

    PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Sức lực của anh em CDC bỏ ra là rất lớn. Chúng tôi cũng là đơn vị đi lấy mẫu rà soát ở sân bay, bệnh viện Bạch Mai nên hiểu rất rõ những vất vả này. Tuy nhiên, tỉ lệ dương tính được xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR là âm tính chiếm tất cả các mẫu cho đến thời điểm này. Trong y học, chúng tôi có thể gọi là dương tính giả trong chẩn đoán bệnh.

    Tỉ lệ âm tính giả cũng có và không phải nhỏ ở những bệnh nhân mới nhiễm Covid-19 mà cơ thể chưa kịp sản sinh ra kháng thể.

    PV: Ở góc độ chuyên môn thì test nhanh virus SARS-CoV-2 mà các địa phương trong đó có Hà Nội đang thực hiện với mục đích chính là gì, thưa ông?

    Với các test nhanh bằng lấy máu tìm kháng thể cần rà soát, thống nhất lại chỉ định, quy trình lấy mẫu và thông báo kết quả. Ảnh: Phạm Tùng

    PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Nguyên lý của test nhanh đang được CDC Hà Nội sử dụng nhằm phát hiện sự có mặt của kháng thể IgM/IgG kháng virus SARS- CoV-2 tồn tại trong máu của đối tượng được xét nghiệm.

    Giai đoạn đầu của nhiễm virus, 3 đến 7 ngày tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cơ thể chưa sản sinh đủ kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 nên xét nghiệm nhanh lúc này cho ra kết quả âm tính. Trong khi ở giai đoạn này, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng lây truyền virus ra cộng đồng mà chỉ xét nghiệm RT-PCR mới chẩn đoán được.

    Khi kết quả xét nghiệm nhanh IgG/IgM dương tính thì có thể nói đối tượng đã từng nhiễm virus, nhưng liệu còn tồn tại virus trong cơ thể hay không thì vẫn phải thực hiện phản ứng RT-PCR để khẳng định.

    Ngoài ra, giá trị của kết quả dương tính này còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu, ví dụ như có phản ứng chéo với các virus khác hay không.

    PV: Điều đó có nghĩa là, khi người dân đã đi test nhanh virus SARS-CoV-2 và cho kết quả âm tính thì vẫn chưa thể an tâm?

    PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi rất lo lắng khi đọc những dòng “người dân mừng rỡ khoe kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19”. Liệu những người nhận kết quả âm tính này có tiềm tàng nhiễm virus, không được giải thích cặn kẽ của bác sĩ chuyên ngành sẽ chủ quan mà nới lỏng các biện pháp phòng hộ?

    Với các test nhanh bằng lấy máu tìm kháng thể cần rà soát, thống nhất lại chỉ định, quy trình lấy mẫu và thông báo kết quả. Cần ưu tiên làm lại ngay bằng xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác dương tính trước khi chúng ta tìm kiếm, cách ly tiếp các F1, F2 làm ảnh hưởng đến hàng trăm hay hàng ngàn người, tiêu tốn nhân lực y tế và sinh phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng.

    PV: Vậy người dân khi đã thực hiện test nhanh cần phải làm gì thưa ông?

    PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu: Người dân, đặc biệt là những người xét nghiệm có kết quả âm tính rồi cũng không nên chủ quan mà cần tuân thủ theo hướng dẫn. PV: Xin cảm ơn ông!   

    ” Với các test nhanh bằng lấy máu tìm kháng thể cần rà soát, thống nhất lại chỉ định, quy trình lấy mẫu và thông báo kết quả (Ảnh: Phạm Tùng).       

    Chiều 6/8, tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Test nhanh là giải pháp kịp thời, tạm thời test để khoanh vùng các vùng dương tính nhiều, vùng có người đi từ Đà Nẵng ra nhiều để có biện pháp chặt chẽ hơn chứ không phải biện pháp duy nhất. Test này độ nhạy và độ chính xác theo hướng dẫn của đơn vị cung cấp và bộ Y tế là xét nghiệm kháng thể, độ nhạy tương đối chứ không phải tuyệt đối. Vì thế, trường hợp bệnh nhân 714 dù được phường Phúc Diễn xét âm tính nhưng xét nghiệm lại PCR lại dương tính. “
    Hiểu rõ về các nhóm xét nghiệm virus SARS-CoV-2

    Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - bày tỏ: “Để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không hiện nay có 2 nhóm các xét nghiệm: Các xét nghiệm trực tiếp và các xét nghiệm gián tiếp. Xét nghiệm trực tiếp là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự hiện diện các thành phần của cấu tạo của virus ở trong cơ thể. Hiện nay xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm tìm kiếm các đoạn gene của virus bằng kỹ thuật PCR, ngoài ra còn có xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus. Xét nghiệm gián tiếp là xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể trong trường hợp bệnh Covid-19 là làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là xét nghiệm mà thành phố Hà Nội đang thực hiện. Có điều hết sức lưu ý, người nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải ai cũng sinh ra kháng thể và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi người bị nhiễm virus SARS-CoV-2”.

    Theo bác sĩ Khiêm, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác. Vì vậy, việc làm xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị xác định tỉ lệ người từng nhiễm virus này. Đồng thời, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. “Người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của bộ Y tế”, bác sĩ Khiêm khuyến cáo.

    Thanh Lam

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (32)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-khoan-test-nhanh-covid-19-khong-chinh-xac-pho-giao-su-dau-nganh-y-len-tieng-a334837.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan