+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhân thổi kèn saxophone trong ca mổ não kéo dài 9 tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người đàn ông 35 tuổi đã chơi saxophone với trạng thái hoàn toàn tỉnh táo trong ca phẫu thuật não kéo dài 9 tiếng.

    Các bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế Paideia ở Rome, Italy vừa tiến hành phẫu thuật cho người đàn ông tên C.Z. (35 tuổi) để loại bỏ khối u não. Đáng chú ý, bệnh nhân đã trải qua một "cuộc phẫu thuật tỉnh táo", anh đã thổi kèn saxophone trong cuộc phẫu thuật kéo dài suốt hơn 9 tiếng.

    benh-nhan-thoi-ken-saxophone-suot-9-tieng-khi-bac-si-lay-khoi-u-khoi-nao---bao-dan-tri.mp4

    Tiến sĩ Christian Brogna, một bác sĩ giải phẫu thần kinh và chuyên gia phẫu thuật, chia sẻ rằng khối u được loại bỏ thành công và bệnh nhân không bị tác động tiêu cực. Vị bác sĩ này dẫn đầu nhóm chuyên gia quốc tế gồm 10 thành viên với chuyên môn cao, sử dụng công nghệ hiện đại.

    Theo vị chuyên gia, khối u nằm ở vùng rất phức tạp ở não bệnh nhân. Hơn nữa, bệnh nhân này lại thuận tay trái. Điều này khiến mọi thứ khó khăn thêm vì các đường dẫn thần kinh của não phức tạp hơn nhiều.

    Trong quá trình chuẩn bị trước ca mổ, người đàn ông đã nói với các bác sĩ rằng anh cần bảo tồn khả năng âm nhạc của mình. Việc duy trì năng lực biểu diễn âm nhạc trong thời gian giải phẫu không những tác động tích cực cho bệnh nhân mà còn cho phép bác sĩ ghi nhận những chức năng khác nhau của não bộ.

    "Bạn phải tương tác với nhạc cụ, phối hợp cả hai tay, rèn luyện trí nhớ, phải đếm nữa, bởi âm nhạc cũng chính là toán học. Bác sĩ có thể kiểm tra thị lực của bệnh nhân, bởi họ phải nhìn rõ nhạc cụ, đồng thời có thể kiểm tra cách bệnh nhân tương tác với các bác sĩ khác", tiến sĩ Brogna cho hay.

    benh nhan thoi saxophone 1
    Bệnh nhân chơi kèn saxophone trong ca phẫu thuật não.

    Các bác sĩ cho biết, người bệnh đã chơi bài hát chủ đề của bộ phim "Love Story" năm 1970, quốc ca Italy và lập đi lập lại nhiều lần trong suốt quá trình các bác sĩ thao tác.

    Trong giai đoạn chuẩn bị, bác sĩ cũng đảm bảo bệnh nhân biết rõ các chi tiết của ca mổ. Điều này giúp người bệnh im lặng và phối hợp, không sợ hãi suốt ca phẫu thuật. Ngoài tiếng saxophone, ông Brogna cho biết phòng mổ bao trùm bởi bầu không khí "bình tĩnh và im lặng tuyệt vời".

    Để ca phẫu thuật đạt được kết quả tối ưu, bác sĩ cho hay khâu chuẩn bị đóng vai trò then chốt. Trong vòng 10 ngày trước khi phẫu thuật, bệnh nhân gặp đội ngũ bác sĩ khoảng 6 đến 7 lần, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra hướng hành động phù hợp nhất.

    Tiến sĩ Brogna tự hào rằng bệnh nhân đã có thể trở lại cuộc sống bình thường. Theo ông, với mỗi ca phẫu thuật, kiến thức về y học ngày càng được nâng cao. "Mỗi ca mổ mở ra một cửa sổ kiến thức về cách hoạt động của não bộ. Chúng tôi vừa học, vừa chú ý đến cá nhân người bệnh, gồm cuộc sống, niềm đam mê, sở thích và công việc. Đó chính là mục tiêu", ông nói.

    Phẫu thuật não thức tỉnh chỉ phổ biến trên thế giới trong một vài năm trở lại đây. Phương pháp phẫu thuật này cho phép các bác sĩ điều trị khối u não và chứng động kinh mà không làm tổn thương các khu vực đảm nhiệm chức năng nhìn, nói hoặc chuyển động.

    Với phương pháp này, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong lúc phẫu thuật và có thể trả lời các câu hỏi, giúp bác sĩ biết được họ có phẫu thuật đúng vị trí hay không.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhan-thoi-ken-saxophone-trong-ca-mo-nao-keo-dai-9-tieng-a554560.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan