+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhi 15 tuổi tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore

    ĐS&PL Bệnh nhi 15 tuổi mắc Whitmore đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng, dù được các bác sĩ phẫu thuật và điều trị tích cực.

    Vietnamnet đưa tin, tối 12/11, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận bệnh nhi 15 tuổi mắc bệnh Whitmore đã tử vong vào đêm qua, trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột. Trẻ đã được tiến hành phẫu thuật nhưng không qua khỏi.

    benh nhi 15 tuoi tu vong vi nhiem vi khuan gay benh whitmore 1
    Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có trong đất, nước nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể qua da, qua vết thương hở.

    Theo đó, bệnh nhân nam sinh năm 2007 ngụ tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng rất nặng: phổi tổn thương, suy hô hấp, có ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, thở máy, duy trì vận mạch. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, mắc bệnh Whitmore.

    Hai ngày trước khi khởi phát, em đi học về và bị dầm nước mưa, sốt cao liên tục 4 ngày, ho, nổi sẩn ban kèm đau tức ngực phải, đau bụng... Bệnh nhi được điều trị tại 2 bệnh viện địa phương và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 của bệnh.

    Như vậy, một trong hai bệnh nhi ở Thanh Hóa mắc Whitmore, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tử vong. Trường hợp còn lại là em bé 10 tuổi ở huyện Nông Cống, vẫn đang được điều trị, theo VnExpress.

    Mặc dù đã được tiến hành phẫu thuật nhưng em không qua khỏi.

    Whitmore (còn gọi bệnh Melioidosis) là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

    Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Bệnh nhân sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan; lách; nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Không chỉ dễ bị chẩn đoán nhầm, Whitmore còn khó điều trị, nhiều người bệnh bỏ cuộc.

    Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, không lây truyền từ người sang người, thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao (40%), đặc biệt ở người có bệnh nền. Người sức đề kháng kém như bệnh nhiễm trùng mạn tính, dùng thuốc corticoid kéo dài, tiểu đường, thận, người nghiện rượu,... nếu bị vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng.

    Vi khuẩn theo dòng máu đến khắp các cơ quan, nhất là gan, lách, phổi, dẫn đến các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến trầm trọng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có thể tử vong.

    Hiện chưa có vắc xin, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trong đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại nơi ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn...

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhi-15-tuoi-nhiem-vi-khuan-whitmore-da-tu-vong-a557134.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan