+Aa-
    Zalo

    “Biển người” Hà Nội ra đường đêm trung thu, chuyên gia lo lắng nguy cơ trẻ em lây nhiễm

    (ĐS&PL) - Dù đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 nhưng việc “biển người” đổ ra đường trong đêm trung thu khiến nhiều chuyên gia lo lắng về nguy cơ mất an toàn, lây lan dịch bệnh.

    Đêm 21/9, hàng loạt tuyến đường quanh khu vực trung tâm Hà Nội như Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Mã, Đinh Tiên Hoàng ùn ứ vì “biển người” chen chúc đổ ra đường trong đêm trung thu.

    Trao đổi với tạp chí Tri thức trực tuyến về sự việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng đây là những hình ảnh đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà thành phố đang thực hiện.

    "Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết, vô cùng tai hại. Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

    nguoi ha noi ra duong trong dem trung thu dspl
    Biển người đổ ra đường đêm trung thu ở Hà Nội khiến nhiều người lo lắng vì nguy cơ mất an toàn, lây lan dịch bệnh. Ảnh: Zing.vn

    Ông Phu cũng nhấn mạnh, nếu người dân ra đường để đi làm, đi sản xuất thì có thể thông cảm, nhưng nếu để giải trí, đi chơi thì chính quyền thành phố cần có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động này tái diễn.

    Liên quan đến sự việc này, trao đổi với báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết tình trạng trên rất đáng lo ngại, đáng lẽ người dân phải thực hiện tốt giãn cách, 5K trong tình trạng phòng chống dịch mới từ thành phố.

    "Nguy cơ bùng phát dịch sau vụ việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu rất lớn, bởi vì rất nhiều người chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em. Như vậy, việc phát tán, lây lan dịch trong cộng đồng từ sự việc kia là rất lớn, có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm mới", ông Nga cảnh báo.

    PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, những người đã tham gia đi lại trong đêm 21/9 ở những nơi đông đúc phải tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có hiện tượng bất thường, ho, sốt, khó thở cần phải tự cách ly, xét nghiệm ngay.

    Về sự việc này, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, bày tỏ lo ngại về khả năng lây nhiễm trong "biển người" vào đêm qua ở Hà Nội. Bà cho rằng những hình ảnh người dân đổ ra đường chơi Trung thu tối 21/9 rất "đáng buồn".

    Lo ngại thứ nhất của bà Thu Anh là nhiều gia đình mang trẻ em đi chơi Trung thu, mà đây là đối tượng hoàn toàn không có miễn dịch, lại không được tiêm vaccine nên nguy cơ lây nhiễm lớn hơn rất nhiều.

    Bác sĩ lo ngại nhiều kế hoạch của TP có thể bị ảnh hưởng, trong đó nguy hiểm nhất là việc học sinh không thể trở lại trường học trong thời gian tới.

    Nhấn mạnh người dân có vai trò trung tâm của công tác phòng, chống dịch cũng như đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, bà Thu Anh đề nghị người dân cần có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Nỗ lực của Chính phủ, TP Hà Nội có thể đổ bể nếu người dân không hợp tác, bỏ ngoài tai khuyến cáo của cơ quan chức năng.

    "Chính phủ, TP đã nỗ lực hết sức để chống dịch, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân. Toàn bộ chi phí xét nghiệm, vaccine, điều trị đều được miễn phí, vậy tại sao chúng ta không ủng hộ, hỗ trợ hết mức trong khả năng của mình để những nỗ lực đó không bị bỏ phí", vị chuyên gia nhấn mạnh.

    Nhân Văn (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-nguoi-ha-noi-ra-duong-dem-trung-thu-chuyen-gia-lo-lang-nguy-co-tre-em-lay-nhiem-a514002.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan