+Aa-
    Zalo

    Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT quốc gia 2018 khó hơn năm 2017 là đương nhiên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo đại diện Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn vì phạm vi kiến thức rộng. Đề thi THPT phải được phân hóa, nhằm phục vụ mục tiêu xét tuyển đại học.

    Theo đại diện Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn vì phạm vi kiến thức rộng. Đề thi THPT quốc gia 2018 phải được phân hóa, nhằm phục vụ mục tiêu xét tuyển đại học.

    Vào lúc 16h ngày 27/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo sau kỳ thi THPT quốc gia. TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - giải đáp các vấn đề liên quan đề thi. Đây là năm thứ hai bộ thực hiện xây dựng đề thi chỉ một môn tự luận, còn lại là trắc nghiệm, mỗi phòng thi có 24 mã đề.

    Trả lời việc đa số thí sinh phàn nàn đề thi khó hơn nhiều năm 2017, ông Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng, cho rằng độ khó của đề thi phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng quy định và những gì đã thông báo tới giáo viên, học sinh. Tất cả nội dung nằm trong chương trình lớp 12 và 11, trong đó kiến thức lớp 12 chiếm 80-85%, lớp 11 chiếm 15-20%.

    Ông Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng, giải đáp các vấn đề liên quan đến đề thi. Ảnh: Vnexpress

    “Nội dung hoàn toàn không vượt quá chương trình các em được học”, ông Hồng nhấn mạnh.

    Về cấu trúc đề thi, ông Hồng khẳng định không thay đổi so với năm 2017, vẫn gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Phần nâng cao vẫn nằm trong chương trình học. Đề tự luận như môn Văn cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó theo 4 cấp độ.

    Liên quan tranh luận câu chữ ở đề Văn nhất là câu cuối 5 điểm khó hiểu, ông Hồng thông tin đề rất mở nhưng vẫn được chia thành 4 cấp độ và những câu hỏi cấp độ cao thì độ khó cao hơn. “Từ góc độ của người quản lý, nắm chắc nguyên tắc ra đề, tôi khẳng định nội dung đề không sai, các tác phẩm thuộc chương trình lớp 12 và 11. Về câu chữ trong câu hỏi thì ''nguồn lực tự nhiên'' là hoàn toàn chính xác.

    Đề trắc nghiệm như năm trước. Nhóm câu hỏi dễ nằm ở trên, khó ở dưới, giúp thí sinh lần lượt làm từ dễ đến khó. Năm 2018, đề thi được tăng cường độ phân hóa, có những câu rất dễ đến câu khó. Để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó.

    Theo Cục phó Quản lý chất lượng, năm 2018 đề thi phải được phân hóa theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, nếu so sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là "điều hiển nhiên vì nội dung kiến thức mở rộng thêm lớp 11".

    "Nhiều giáo viên và thí sinh cho rằng đề thi quá khó, nhưng thực tế đề có cả câu rất dễ và khó nhằm phân loại thí sinh. Điều này có nghĩa không phải nhóm câu hỏi nào cũng tăng độ khó”, ông Hồng nói và cho biết đề trắc nghiệm có 50-60% câu hỏi học sinh trung bình cũng làm được.

    Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ khẳng định Bộ coi kỳ thi THPT quốc gia là nhiệm vụ quan trọng nên đã làm kỹ từ khâu chuẩn bị với sự phối hợp nhịp nhàng, chu đáo từ các bộ, ban, ngành và ban chỉ đạo thi của các địa phương.

    “Kết lại kỳ thi, điều đáng nói là không có giám thị nào vi phạm kỷ luật. Số thí sinh vi phạm quy chế cũng ít hơn những năm trước, chỉ hơn 70”, ông Độ nói và nhấn mạnh kỳ thi đã diễn ra an toàn, đúng quy chế.

    Đồng Trang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-de-thi-thpt-quoc-gia-2018-kho-hon-nam-2017-la-duong-nhien-a234513.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan