+Aa-
    Zalo

    Bộ GD&ĐT dự kiến sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh được mang gì vào phòng?

    ĐS&PL Nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT được thông qua, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình như kỳ thi năm trước, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu.

    Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiêp THPT. Các nội dung sửa đổi liên quan đến sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; ban làm phách bài thi tự luận và điểm ưu tiên.

    Dự thảo này được lấy ý kiến đến hết 5/3/2023. Những thay đổi (nếu có) sẽ được áp dụng ngay trong năm nay, các quy định còn lại vẫn thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp THPT tại hai Thông tư 15/2020 và 05/2021 của bộ GD&ĐT.

    Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, với dự thảo nói trên, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.

    Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu - điều quy định hiện hành cho phép. Đây sẽ là điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

    bo gddt du kien sua quy che thi tot nghiep thpt thi sinh duoc mang gi vao phong
    Thí sinh sẽ không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Ảnh minh họa: VTC News

    Bên cạnh đó, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Trong khi đó, quy định hiện hành cho phép thí sinh có thể rời phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

    Về điểm ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên. Cụ thể là người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có ít nhất 2/3 thời gian học cấp THPT tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong thời gian học cấp THPT (tính đến ngày thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

    Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Cụ thể là người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

    Liên quan đến đăng ký dự thi, dự thảo sửa đổi quy định về hồ sơ đăng ký dự thi dành cho đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi, theo Người Đưa Tin Pháp Luật.

    Cụ thể, hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản chính hoặc bản sao học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT, hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng kí trực tiếp) kiểu căn cước công dân được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

    Đặc biệt, dự thảo quy định thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (quy định hiện hành là đăng ký tại trường phổ thông nơi học lớp 12).

    Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm diễn ra trong 2,5 ngày với 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

    VTC News thông tin, năm 2022, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó hơn 859.500 em thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Kỳ thi được tăng cường phân cấp cho địa phương, thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Các tỉnh, thành chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian do bộ GD&ĐT quy định.

    Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, không gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó COVID-19 mà bộ đã công bố. Đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-du-kien-sua-quy-che-thi-tot-nghiep-thpt-thi-sinh-duoc-mang-gi-vao-phong-a563425.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan