+Aa-
    Zalo

    Bộ GTVT đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc

    (ĐS&PL) - Bộ GTVT đề xuất ưu tiên hơn 55 nghìn tỷ cho 5 tuyến có nhu cầu cấp bách, trong đó có cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hoà Liên.

    Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ (2 làn hoặc 4 làn xe không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục) đạt quy mô hoàn chỉnh. 

    Theo đó, liên quan đến đường cao tốc 2 làn xe, Bộ GTVT cho biết để nâng cấp 689km cao tốc 2 làn xe nói trên lên 4 làn xe hoàn chỉnh (riêng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km đạt quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh) cần tổng mức đầu tư gần 87.500 tỷ đồng.

    Trong đó, vốn Nhà nước hơn 82.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Đối với các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế, để nâng cấp theo quy mô quy hoạch (4 hoặc 6 hay 8 làn xe đầy đủ, tùy quy mô từng tuyến) cần hơn 425.700 tỷ đồng. 

    Theo Bộ GTVT để nâng cấp đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế lên quy mô đầy đủ cần hơn 494.500 tỷ đồng ngân sách. Trong trường hợp cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực thông hành. 

    Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay gần 494.600 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để thực hiện trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi, ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành 5.000km theo nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. 

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

    Do đó, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, Bộ GTVT đề xuất một số tiêu chí ưu tiên đầu tư. 

    Thứ nhất là đối tượng ưu tiên đầu tư gồm các đoạn tuyến trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt là một số đoạn nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh; Các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh và một số đoạn tuyến cần đầu tư nâng cấp để khai thác đồng bộ với các đoạn liền kề đã mở rộng; Các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe hoặc hoặc 4 làn xe hạn chế) có nhu cầu vận tải chưa quá lớn. 

    Thứ hai là về thủ tục đầu tư, ưu tiên dự án đã xác định khả năng cân đối vốn (một phần hoặc toàn bộ), bao gồm các dự án PPP; các tuyến cao tốc đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh; các dự án có thủ tục đầu tư thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giải ngân, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu. 

    Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp đường cao tốc theo 4 nhóm:

    Nhóm 1: Đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 55.300 tỷ đồng (vốn nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 40.300 tỷ đồng).

    Nhóm này gồm các tuyến cao tốc: Cao tốc La Sơn - Hòa Liên (dài 66km) đang khai thác 2 làn xe, đã giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Để nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh cần hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đầu tư. Dự kiến khởi công năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2025. 

    Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (dài 98km) đang khai thác 2 làn xe, đã giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Để nâng cấp đường cao tốc này lên 4 làn xe hoàn chỉnh cần khoảng 7.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 để sớm triển khai đầu tư. 

    Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km) đang khai thác 4 làn xe hạn chế, đã giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp đạt quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến khởi công trong năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026. 

    Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km) đang khai thác quy mô 4 làn xe hạn chế, đã giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe. Bộ GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nâng cấp đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đạt quy mô 6 làn xe, kết hợp nâng cấp đoạn TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe. 

    Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (dài 26km) là dự án BOT đang khai thác quy mô 2 làn xe. UBND tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng đường lên 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 7.950 tỷ đồng. 

    Nhóm 2: Đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe gồm: Nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai dài 83km thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh; nâng cấp đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (dài 40km) từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe; nâng cấp 12km cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình lên 4 làn xe. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng gần 18.700 tỷ đồng. 

    Nhóm 3: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Các tuyến cao tốc cần nâng cấp gồm: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (dài 104km); Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 (dài 66km, qua tỉnh Hòa Bình 34km và tỉnh Sơn La 32km); Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 (dài 93km, hiện đang đầu tư 22km 4 làn xe hạn chế và 71km quy mô 2 làn xe; Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17km từ 2 làn xe lên 4 làn xe; Nâng cấp đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 84km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh. 

    Nhóm 4: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại. Theo tính toán sơ bộ, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn Nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bo-gtvt-e-xuat-thu-tu-uu-tien-au-tu-nang-cap-cac-tuyen-cao-toc-a412343.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan