+Aa-
    Zalo

    Bỏ nhà đi biệt vì lỡ vay tiền tín dụng đen

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kinh tế khó khăn, nhiều người dân tìm đến tín dụng đen và gặp “quả đắng” khi lãi mẹ đẻ lãi con quá nhanh khiến họ mất khả năng chi trả.

    Hoảng loạn trả nợ tín dụng đen

    Nhiều ngày nay, gia đình ông Trần Văn Sáng (64 tuổi, ngụ Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) chẳng có bữa cơm nào ngon miệng bởi phải lo trả nợ khoản tiền 200 triệu đồng vì cô con gái vay tín dụng đen để bù lỗ kinh doanh mùa Covid 19.

    Theo lời kể của ông Sáng, cô gái đầu của ông tên Duyên, năm nay 23 tuổi. Đầu năm vừa rồi, Duyên vay của bạn 100 triệu để góp vốn mở cửa hàng quần áo. Nhưng do dịch Covid kéo dài, làm ăn thua lỗ, không thu hồi được vốn, để trả nợ cho bạn, cô đã tìm đến tín dụng đen.

    tin dung den
    Ảnh minh hoạ

    Được một người quen giới thiệu, Duyên chụp căn cước công dân, sổ hộ khẩu… vay 150 triệu với lãi suất 7.000đ/1 triệu. Cô tính dịch giảm thì sẽ làm ăn được, có tiền trả nợ nhưng không ngờ đợt dịch mới lại bùng phát. Duyên không có tiền trả cho tín dụng đen, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 230 triệu đồng. Đường cùng, Duyên bỏ trốn.

    Không tìm được con nợ, nhóm tín dụng đen liên tục gọi điện cho vợ chồng ông Sáng. Nhiều hôm, họ đến tận nhà thúc ép, ngồi lỳ để gây áp lực, buộc vợ chồng ông Sáng trả nợ thay con.

    “Kinh tế khó khăn, việc chạy chợ của vợ chồng tôi đứt đoạn, đến ăn còn không đủ lại gánh khoản nợ của con gái nên năm nay coi như mất Tết”, ông Sáng nói.

    Cũng theo ông Sáng, chủ nợ thông báo đến 20 tháng 12 âm lịch phải trả đủ 300 triệu thì con gái ông mới hết nợ. Hiện vợ chồng ông rất bế tắc vì không biết kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy để trang trải khoản nợ của con gái.

    Không riêng gì gia đình ông Sáng mà chị Trần Thị Vinh (ở cùng xóm), do dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn nên 3 tháng trước, chị đã vay số tiền 20 triệu đồng trong 1 năm, với lãi suất 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương 75%/năm. Tuy nhiên, giấy tờ sau khi ký, nhân viên của công ty này giữ, chị không được giữ lại bản nào.

    Tháng vừa rồi, chị Vinh đóng tiền chậm hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng vay, ngay lập tức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với những lời lẽ mang tính chất đe dọa… Sợ hãi, chị Vinh bán chiếc xe máy cũ và vay mượn thêm họ hàng để trả dứt điểm trước hạn số nợ nói trên.

    Cần đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch vay trả

    Trao đổi với phóng viên Đời sống & pháp luật, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Tùng & công sự cho biết: “Người dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rất lớn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Các đối tượng cho vay nặng lãi thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để che đậy hành vi tội phạm, tránh sự phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng, nhất là sử dụng hành vi côn đồ đe dọa, uy hiếp không cho con nợ lên tiếng tố giác”.

    Theo luật sư Tùng, để đối phó với cơ quan công an, các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng dưới các giao dịch dân sự. Chẳng hạn như thỏa thuận cho vay, ghi mục lãi suất hợp đồng thấp hơn lãi suất thực tế; hoặc ghi đúng theo hợp đồng song lại “đẻ” thêm giấy vay tiền viết tay, các giấy này có thể tiêu hủy hoặc thay đổi dễ dàng. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng hợp đồng giả cách yêu cầu bị hại viết giấy mua bán tài sản, sau đó cho người vay tiền thuê lại chính tài sản đó.

    “Các nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng dưới các công ty tư vấn cho thuê tài chính, công ty bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại… được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí một số đối tượng trốn truy nã", luật sư nói.

    Luật sư Tùng khuyến cáo, người dân cần hết sức tỉnh táo không nên vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”; bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng rất cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể, sự hợp tác, trách nhiệm của mỗi gia đình, quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống, tội phạm. Những ai là nạn nhân của các đối tượng “tín dụng đen” cần kịp thời tố giác tội phạm để phục vụ cho việc điều tra, xử lý các đối tượng trước pháp luật.

    Hoàng Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-nha-di-biet-vi-lo-vay-tien-tin-dung-den-a521701.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.