+Aa-
    Zalo

    Cả nước có hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân tình trạng nặng

    (ĐS&PL) - Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 42% tổng số ca mắc của cả nước trong tuần.

    Theo Vietnamplus, tin từ Bộ Y tế ngày 26/9 cho biết thống kê tổng hợp tuần qua (từ 15-22/9) cả nước ghi nhận 5.616 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần trước số mắc tăng 1,7%. Trong đó, số nhập viện là 4.249, so với tuần trước số nhập viện tăng 2,1%.

    Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (215.934/112) số mắc giảm 59%, tử vong giảm 88 trường hợp.

    Tại Hà Nội, chỉ trong 1 tuần, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm hơn 2.400 người mắc sốt xuất huyết và 95 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội cộng dồn từ đầu năm đến nay là 12.776 ca (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong.

    Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).

    Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Bất cứ ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, người dân không được chủ quan và tự ý điều trị khi nhiễm bệnh.

    Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo.

    Riêng tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời điểm hiện tại tiếp nhận điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây…

    ca nuoc co hon 87 000 ca sot xuat huyet nhieu benh nhan tinh trang nang 3
    Cả nước có hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân tình trạng nặng. Ảnh: PLO/TTXVN.

    Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca mắc sốt xuất huyết đến thăm khám cũng gia tăng. BV này đã tiếp nhận điều trị tổng cộng hơn 300 trường hợp, trong đó có một số trường hợp nặng.

    Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều trường hợp nặng, trong đó có bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm, hay bị cô đặc máu... Hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện tiếp nhận điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.

    Theo thông tin từ Báo Pháp luật TP.HCM, Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo trong 3 ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

    Trong những ngày đầu mắc bệnh, người bệnh có thể bị rối loạn điện giải, do vậy nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch và không tự ý truyền dịch tại nhà. Nếu truyền dịch không đúng sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được chỉ định truyền dịch.

    "Sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7, người bị sốt xuất huyết cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng, hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì”- bác sĩ Trần Văn Bắc nhấn mạnh.

    Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

    Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

    1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

    2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

    3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

    4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

    5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

    6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

    Như Quỳnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-nuoc-co-hon-87-000-ca-sot-xuat-huyet-nhieu-benh-nhan-tinh-trang-nang-a592651.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan