+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Quốc hội: 6 luật có hiệu lực từ năm 2024 nhưng chưa có kế hoạch triển khai

    (ĐS&PL) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai.

    Còn tình trạng “giao phó” trong xây dựng luật

    Theo tin tức thời sự mới nhất trên báo VTC News, phát biểu vào chiều 6/9 tại bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1010 văn bản, trong đó có 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội,  4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    6 luat co hieu luc tu nam 2024 nhung chua co ke hoach trien khai 1
    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị. Ảnh: Báo Công an nhân dân

    Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Chính phủ, Thủ tướng đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có nhiều giải pháp đổi mới để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết.

    Bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại và hạn chế như một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các Bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. 

    “Đặc biệt, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và 1/7/2024, nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

    Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Tính đến ngày 23/8/2023, vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành (chiếm 22%), một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1 năm rưỡi so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực.

    Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành thì cũng chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn. Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024, theo kế hoạch phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay cũng chưa có văn bản nào được ban hành.

    “Các bộ cũng có báo cáo là tới ngày 15/9 sẽ có, nhưng tôi e là quỹ thời gian rất hạn hẹp. Luật Khám chữa bệnh rất nhiều văn bản hướng dẫn khó”, báo Đầu tư dẫn lời Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

    Theo ông Vương Đình Huệ, thực trạng này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. 

    Theo đó, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

    Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

    Yêu cầu ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM trong tháng 9

    Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

    Có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết...

    Tập trung hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV, đặc biệt, các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.

    6 luat co hieu luc tu nam 2024 nhung chua co ke hoach trien khai 2
    Quang cảnh hội trường. Ảnh: Báo Công an nhân dân

    Ông đề nghị chậm nhất trong tháng 9/2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

    Cùng đó, kịp thời phát hiện các quy định có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6.

    Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

    Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

    Ông cũng yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật..., báo Tuổi trẻ thông tin.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-quoc-hoi-6-luat-co-hieu-luc-tu-nam-2024-nhung-chua-co-ke-hoach-trien-khai-a589936.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chuẩn bị trình Quốc hội dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành

    Chuẩn bị trình Quốc hội dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành

    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đăng ký nội dung trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.