+Aa-
    Zalo

    Có một thiên thần sinh ra từ cuộc chiến sinh tử

    • DSPL
    ĐS&PL Ngày đầu tiên chào đời đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài, thế nhưng cậu bé ấy vẫn vượt qua để trở thành một “thiên thần” tuyệt đẹp trong cuộc sống này.

    Ngày đầu tiên chào đời đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, thế nhưng cậu bé ấy vẫn vượt qua đầy ngoạn mục để trở thành một “thiên thần” tuyệt đẹp trong cuộc sống này.

    Kiên cường chiến đấu từ trong bụng mẹ

    Hình ảnh bé trai bé bỏng nằm gọn trong vòng tay mẹ bước vào phòng gặp mặt (do bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức ngày 24/6 để thông tin về ca mổ tim phức tạp cho trẻ sơ sinh-PV) khi còn đang say cơn sữa, khiến ai nấy cũng nở nụ cười yêu thương vì cảm giác bình yên em mang lại. Vì ai cũng biết rằng, em đã vất vả thế nào để “giành giật” sự sống ngay từ khi chưa chào đời. Em là Nguyễn Minh Hiếu (sinh ngày 13/5/2020, địa chỉ Nam Từ Liêm, Hà Nội), em bé kiên cường vừa trải qua 42 ngày chiến đấu với tử thần.

    Anh Nguyễn Văn Bằng (bố bé Hiếu) kể lại hành trình cùng vượt qua biến cố. Đó chính là hơn 1 tháng mà vợ chồng anh cùng người thân vừa trải qua thử thách vô cùng cam go chẳng khác nào một cuộc chiến giành giật sự sống cho con trai yêu từ tay tử thần. Bởi Hiếu được phát hiện bị tim bẩm sinh từ khi còn trong bụng, lúc ấy em mới chỉ là thai nhi 22 tuần tuổi.

    Bệnh nhi Hiếu đã phải trải qua 15 giờ can thiệp tim giành giật với tử thần

    “Hai vợ chồng lấy nhau được 2 năm thì vợ tôi mang thai. Theo định kỳ thăm khám thai, đến tuần 22, vợ tôi khám thai tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì được bác sĩ thông báo tin không vui này, cô ấy đã bật khóc như mưa vì lo cho con. Đồng hành với con sẽ như thế nào? Câu hỏi ấy khiến cả hai vợ chồng bối rối và hoang mang. Nhưng vì là đàn ông nên dù lo lắng nhiều lắm, tôi vẫn không thể hiện ra mặt, giấu những nỗi niềm vào trong sâu thẳm để động viên vợ cùng các bác sĩ thăm khám và tìm biện pháp cứu con”- anh Bằng chia sẻ.

    Hai vợ chồng chỉ làm công nhân, cuộc sống không mấy khá giả. Sau khi phát hiện con bị bệnh, cả hai người đều phải xin nghỉ làm để dồn lực cùng con chiến đấu. Khó khăn chồng chất khó khăn.

    Rồi ngày tháng trôi qua, họ đã trải qua một hành trình tưởng như dài vô tận, cùng con vượt qua khó khăn cho đến lúc nghe tiếng khóc chào đời của chàng trai bé nhỏ. Ngày 13/5, Hiếu sinh ra chỉ vài tiếng đồng hồ đã xuất hiện tình trạng nguy kịch: Cần thở máy, liên tục xuất hiện các cơn tím; liên tục tụt huyết áp và mạch chậm... Các bác sĩ thường xuyên phải cấp cứu cho Hiếu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, em phải sử dụng phối hợp nhiều thuốc vận mạch liều cao nhưng sức khỏe dường như không cải thiện. Hiếu được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot có kèm theo tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và ống động mạch đã đóng.

    Cùng ngày hôm đó, em được bác sĩ bóp bóng vận chuyển cấp cứu gấp sang bệnh viện Nhi Trung ương. Với diễn biến sức khỏe thực tế không giống với những trường hợp được chẩn đoán là tứ chứng Fallot thông thường, ban lãnh đạo trung tâm Tim mạch trẻ em (bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiến hành hội chẩn cấp cứu cho em ngay lập tức. Quyết định mổ cấp cứu được đưa ra nhằm sửa chữa và đưa giải phẫu trái tim của Hiếu trở về bình thường, kèm theo phải điều trị tình trạng tăng áp động mạch phổi vô căn từ thời kỳ bào thai hiếm gặp. Các bác sĩ dự đoán quá trình phẫu thuật cũng như hồi sức sau phẫu thuật là đặc biệt phức tạp.

    “Con tôi sinh ra nặng 3,5kg được phẫu thuật ngay trong đêm. Ca mổ bắt đầu từ 2 giờ ngày 14/5/2020 trải qua 5 tiếng đồng hồ phẫu thuật liên tục, với nhiều diễn biến phức tạp trong mổ. Cả gia đình hồi hộp chờ đợi, cuối cùng phép màu đã đến với bé. Vì vợ mới sinh nên hành trình cùng con phẫu thuật chỉ mình tôi chứng kiến, tôi đã gọi điện cho vợ thông báo về thành công của ca phẫu thuật. Vợ tôi nghẹn lại vì vui sướng, tôi cũng rơm rớm nước mắt vì bao nỗ lực cuối cùng cũng đã giữ lại được con bên cạnh”- anh Bằng xúc động chia sẻ.

    Ca bệnh hiếm gặp

    Trao đổi với PV ĐS&PL, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc trung tâm Tim mạch trẻ em, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi Nguyễn Minh Hiếu, chia sẻ, vì được chẩn đoán từ trước khi sinh, nên chúng tôi sẵn sàng mọi phương án. Cháu đã ở tình trạng nặng do ống động mạch đã bị đóng, các trường hợp dị tật còn ống động mạch sẽ đỡ tím tái hơn, chúng tôi đã chỉ định phẫu thuật triệt để cho bệnh nhi.

    Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đã vất vả chiến đấu cùng Hiếu

    Tứ chứng Fallot là căn bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, kết hợp 4 khuyết tật của quả tim cùng lúc khiến cơ thể không đủ oxy. Đây là khuyết tật hết sức nghiêm trọng, xuất hiện từ thời kỳ bào thai. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chỉ tím tái mức độ trung bình và sẽ phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng. “Trường hợp của bé Hiếu lại có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi nên bé vừa chào đời đã tím tái nghiêm trọng, suy hô hấp sau sinh, đe dọa tính mạng. Ngay từ khi chuyển bệnh nhi từ bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi đã phải đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục trên đường chuyển bé sang bệnh viện Nhi Trung ương. Tiên lượng ban đầu, chúng tôi đánh giá kể cả khi phẫu thuật thành công, tỉ lệ tử vong cũng rất cao do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề, đòi hỏi các bác sĩ hồi sức cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành hồi sức tim mạch cũng như hồi sức sau mổ”- bác sĩ Trường cho biết.

    Ngoài ra, theo bác sĩ Trường, xác định đây là ca mổ khó song các bác sĩ vẫn quyết định can thiệp cho bé. 23h ngày 13/5, bệnh nhi được chuyển từ phòng hồi sức xuống phòng mổ nhưng mất gần 2 giờ mới có thể gây mê được do tình trạng của bé quá nặng, đặt đường theo dõi xâm nhập khó khăn. Ca mổ căng thẳng kéo dài suốt 5 giờ, TS. Trường cùng ê-kíp dồn sức sửa chữa những thiếu hụt ở trái tim cho bé.

    Diễn biến sau mổ của trẻ xấu dần đi theo từng giờ từng phút do tình trạng tăng áp lực động mạch phổi. Bệnh nhi Hiếu đã được hồi sức tích cực, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả.

    TS. Cao Việt Tùng- Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa chia sẻ: “Bệnh nhi Hiếu còn quá nhỏ nên sau phẫu thuật gặp hàng loạt biến chứng như rò rỉ mao mạch khiến trẻ bị phù, huyết áp tưới máu không đảm bảo, trẻ cũng gặp biến chứng cung lượng tim thất gây co mạch và biến chứng tăng áp lực động mạch phổi. Đồng thời, do tiên lượng trước các biến chứng nên ngay sau mổ, bác sĩ không đóng ngực ngay mà để mở giúp quả tim không bị chèn ép, nếu có vấn đề gì có thể cấp cứu kịp thời”.

    Từ 4h ngày 14/5, tình trạng trẻ rất xấu, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn, chỉ định can thiệp ECMO (hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể). Kết quả, dù được can thiệp ECMO nhưng bệnh nhi Nguyễn Minh Hiếu vẫn không đáp ứng vận mạch. Cuối cùng, bác sĩ phải đưa bệnh nhi xuống phòng can thiệp tim mạch, thông tim chẩn đoán đánh giá giải phẫu động mạch phổi và loại trừ các căn nguyên gây tăng áp lực động mạch phổi.

    Sau 4 ngày sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO nhưng vẫn phải để hở ngực do huyết động chưa thực sự ổn định, kèm theo tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ.

    8 ngày sau phẫu thuật, trẻ được đóng ngực và được tiếp tục hồi sức tích cực, thở máy trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim...

    Kết quả siêu âm tim của cháu trước khi ra viện cho thấy tim của cháu Hiếu hoạt động giống tim bình thường và áp lực động mạch phổi đã trở về bình thường.

    Chia sẻ cảm xúc vui mừng, anh Bằng cho biết, những ngày qua như địa ngục cả gia đình đứng ngồi không yên, chỉ sợ con có điều gì bất trắc xảy ra. Nhưng may sao phép màu vẫn xảy ra. “Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ đã nhiệt tình cứu sống con của tôi. Chỉ 1-2 ngày nữa chúng tôi được trở về nhà, chỉ cần thăm khám theo định kỳ là có thể an tâm”- anh Bằng vui mừng.

    Bé trai Nguyễn Minh Hiếu – cái tên thể hiện sự mạnh mẽ, ý chí kiên cường được hai vợ chồng chọn cho con, là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của con, cũng như của mọi người đã đồng lòng cố gắng như thế nào giành giật lại sự sống cho con. Trải qua một cuộc phẫu thuật chưa từng có, em đã là một “thiên thần” giữa cuộc đời này. 

    Một cuộc cân não

    TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc trung tâm Tim mạch trẻ em (bệnh viện Nhi Trung ương): “Sau 42 ngày, bé Hiếu hồi phục sức khỏe, đội ngũ các y bác sĩ mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đây là ca thứ hai chúng tôi phẫu thuật sửa chữa tổn thương tim khi trẻ mới chào đời, nhưng đây là ca đầu tiên chúng tôi sửa chữa tổn thương do tứ chứng Fallot với những diễn biến sau mổ vô cùng phức tạp. Hồi sức sau mổ là cả một cuộc cân não với ê-kíp thực hiện phẫu thuật”. 

    Đồng lòng của cả tập thể

    TS. Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa: “Để có thể tiến hành điều trị thành công cho bệnh tim bẩm sinh đặc biệt phức tạp này, ngoài trang thiết bị hiện đại, thuốc men đầy đủ, cần phải có một ê-kíp đồng bộ bao gồm: Nội khoa chẩn đoán, phẫu thuật, gây mê, chạy máy tim phổi nhân tạo và hồi sức đối với trẻ sơ sinh. Đây là ca bệnh hiếm gặp với tổn thương phức tạp, nặng nề đã được các bác sĩ của trung tâm Tim mạch trẻ em điều trị kịp thời và thành công, mang lại cho trẻ một tương lai mới, có sự phát triển bình thường như bao trẻ em khác. Đây cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất có tổn thương nặng nề được điều trị thành công tại bệnh viện Nhi Trung ương”. ****

    “Khoảnh khắc con bước qua cửa tử thần, là lúc ấy lòng tôi như ném đi một tảng đá nặng nề. Cuối cùng con cũng ở lại bên hai vợ chồng” – anh Bằng xúc động.

    Lê Liên

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (102)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-mot-thien-than-sinh-ra-tu-cuoc-chien-sinh-tu-a328597.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan