+Aa-
    Zalo

    Có sai lầm không khi sống tiết kiệm rồi đem tiền cho người khác mượn?

    (ĐS&PL) - Chắc hẳn khá nhiều người trong chúng ta từng có lúc đi mượn tiền và cũng đã từng cho người khác mượn tiền, thậm chí có người dành luôn khoản tiền kiết kiệm bấy lâu đem cho mượn,... nhưng rồi lại bị “xù” nợ để rồi khóc ròng với câu “biết thế”...

    Mới đây, anh Công 30 tuổi, (Hoài Đức, Hà Nội), nhân viên văn phòng chia sẻ trên trang diễn đàn về tài chính cá nhân câu chuyện của bản thân, đồng thời nhắc nhở mọi người cần thẳng thắn dứt khoát từ chối chuyện cho vay nợ, để tránh rơi vào tình huống “ngán ngẩm” như mình:

    “Sau gần 10 năm đi làm nhưng hiện tôi chỉ có 180 triệu đồng tiền tiết kiệm. Lẽ ra, số tiền tiết kiệm của tôi nhiều hơn thế, chừng 500 triệu đồng, nhưng vì cả nể tôi hai lần cho mượn tiền và xác định "mất sạch" số tiền dành dụm sau mấy năm đầu tiên đi làm vì cho người thân mượn và họ không có ý định trả lại cho tôi.

    co sai lam khong khi song tiet kiem roi dem tien cho nguoi khac muon 2
    "Vì cả nể tôi hai lần cho mượn tiền và xác định "mất sạch"".

    Lần mất đầu tiên, chị gái tôi hỏi mượn 100 triệu đồng để sửa nhà. Chị nhắn hỏi tôi có được bao nhiêu tiền, đưa chị mượn để sửa nhà vì nhà cũ, hư hỏng nhiều nên cần số tiền lớn để sửa thì mới ở được. Lúc đó, nhìn cảnh nhà cũ nát, tôi thương các cháu quá nên không suy nghĩ gì rút 100 triệu đồng cho chị mượn.

    Lần thứ hai là do chồng chị cờ bạc, gây nợ. Lần này, chị hỏi mượn thẳng tôi 100 triệu để lo trả bớt nợ ngoài xã hội cho chồng. Tôi hỏi ý kiến của mẹ thì bà nói: "Có tiền để đó làm gì, cho chị em trong nhà mượn đỡ đi khi nào cần thì lấy lại". Chị nài nỉ than vãn quá mức, tôi lại mủi lòng và chuyển tiền cho chị mượn.

    Nhưng tiền cho mượn thì nhanh, khi đòi lại thực sự rất khó. Cuối năm vừa rồi, hai lần tôi ngỏ ý đòi khoản nợ trên để kinh doanh, song chị đều biện lý do nuôi ba đứa con cực khổ, chồng không biết làm ăn, không phụ giúp... nên chưa có trả. Chốt lại câu chuyện, tôi có cảm giác chị muốn xù luôn khoản nợ với tiếng tốt là "giữ giùm, chừng nào lấy vợ thì trả cho".

    Tôi thật sự rất nản, vì số tiền lớn bản thân để dành, không dám ăn tiêu. Khi người thân cần mình sẵn sàng giúp đỡ, nhưng khi mình cần lại rất khó mà lấy lại.

    Dường như, trong nhiều gia đình, họ quan niệm mặc nhiên rằng anh em phải có nhiệm vụ và trách nhiệm vô điều kiện cho những người trót nợ nần một cách vô lý?”.

    Câu chuyện của anh Công sau khi chia sẻ đã thu hút rất nhiều ý kiến bình luận, trong đó có nhiều người bày tỏ đồng cảm vì đã từng rơi vào hoàn cảnh như tác giả.

    Tài khoản Đăng Lê bình luận: “Số tiền bạn cho mượn chính là tiền học phí để trưởng thành. Bạn đã từng nghe câu “cho vay thì đứng, đòi tiền thì quỳ” chưa? Khi họ mượn thì ngon ngọt, khi cần đòi lại thì giống mình đi xin họ luôn. Tôi cũng bị vài lần như vậy, nên giờ dứt khoát là không cho ai mượn tiền.

    co sai lam khong khi song tiet kiem roi dem tien cho nguoi khac muon
    Khá nhiều người cho rằng cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như tác giả.

    Tài khoản A Quỳnh thì thẳng thắn cho rằng: "Các lý do mượn tiền để xây nhà, mua sắm tài sản thì sẽ nói không cho mượn. Nghĩ sao khi tôi sống tằn tiện tiết kiệm rồi lại đưa tiền cho người ta hưởng thụ? Nghe nó buồn cười lắm.

    Tôi thấy khá nhiều người có vẻ khó khăn trong việc dứt khoát một vấn đề mà rõ ràng chẳng có lợi ích gì cho bản thân cả. Nói về tình cảm theo tôi thấy vay mượn chỉ càng khiến khó nhìn mặt nhau hơn thôi."

    Với tài khoản có tên Nguyễn Quang Bộ thì cho rằng: "Mình đã mất rất nhiều "bè" vì lý do mượn tiền. Khi họ mượn thì dễ mà đòi thì lặn luôn. Tốt nhất là không nên cho mượn".

    Bên cạnh đó, một số ý kiến thì cho rằng cuộc sống vẫn cần có qua có lại hoặc có những tình huống dù biết khó đòi nhưng vẫn nên cho mượn và coi như làm từ thiện, đó là với người thân và với số tiền trong khả năng của mình.

    Tài khoản Bui Dung góp ý: "Cuộc sống có qua có lại, ai giúp đỡ mình thì mình nên giúp đỡ lại, còn ai chỉ muốn lợi dụng thì không nên giúp. Với người thân, nếu may mắn mình có điều kiện hơn thì cũng nên giúp đỡ khi họ cần, nhưng chỉ trong giới hạn. Và khi đã giúp thì không nên kể lể và không đòi ép họ, tránh mất cả tình cả tiền".

    Một tài khoản khác có tên Ngọc Phạm góp ý từ chính câu chuyện của mình, đó là cho người thân mượn tiền mua ô tô, trong khi bản thân và vợ con vẫn đang đi xe máy.

    “Bản thân tôi cũng từng cho anh em vay 100 triệu mua xe ô tô. Khi vay họ nói tháng sau sẽ thu xếp trả, tuy nhiên đã gần 2 năm vẫn chẳng nói gì. Khi tôi nhắc thì họ bảo nhà chú đã làm gì đâu, chú cho anh mượn anh đỡ phải vay ngân hàng... Quả thực, cái khó của người cho mượn tiền đó là cả nể từ mối quan hệ thân thiết, khi cho mượn xong thì tiền không lấy được và thân ai nấy lo".

    Góp ý thêm về chủ đề mượn tiền và cho mượn tiền, chị Xuân Thu - một người làm việc trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của mình, về chuyện tài chính thì dù với người nhà hay bạn bè thân thiết cũng nhất định cần có nguyên tắc, không thể dễ dàng cho mượn tiền với các lý do mua sắm, du lịch, trả nợ cờ bạc,... Tất nhiên, khi người thân gặp phải các tình huống bất khả kháng như ốm đau, tai nạn, việc cấp bách... chúng ta cũng nên cân nhắc giúp đỡ một khoản tiền nhất định”. 

    Tuấn Kiệt

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-sai-lam-khong-khi-song-tiet-kiem-roi-dem-tien-cho-nguoi-khac-muon-a585544.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Muốn tìm việc làm nhanh, áp dụng ngay 5 mẹo siêu hiệu quả sau

    Muốn tìm việc làm nhanh, áp dụng ngay 5 mẹo siêu hiệu quả sau

    Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, muốn tìm việc làm nhanh đặc biệt là việc đúng sở thích, đúng chuyên ngành và có triển vọng là một hành trình không hề đơn giản. Nhưng vẫn có nhiều cơ hội tốt để bạn ứng tuyển, vượt qua đối thủ cạnh tranh và tìm được công việc mơ ước một cách nhanh chóng nhờ “chìa khóa” tìm việc thông minh. Vậy đó là những mẹo nào?