+Aa-
    Zalo

    Cứu 2 bé gái viêm cơ tim cấp bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo

    (ĐS&PL) - Viêm cơ tim có triệu chứng khởi phát khá giống sốt, cảm cúm thông thường nên khi được phát hiện nhiều trẻ đã ở trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

    Báo Lao Động đưa tin, ngày 3/8, bệnh nhi N.H (nữ, 4 tuổi) đau bụng, sốt, nôn nhiều được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy trẻ rất mệt mỏi, môi tái nên đã chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim thì nhận thấy chức năng tim bất thường.

    Bệnh nhi N.H ngay sau đó đã được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc để thực hiện các hỗ trợ ban đầu (hô hấp, tuần hoàn…), rồi nhanh chóng chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa. Tại đây, cháu bé tiếp tục được hỗ trợ chủ động về hô hấp, sử dụng các thuốc vận mạch và được các bác sĩ thực hiện siêu âm tim, điện tim tại giường. Kết quả cho thấy, chức năng tim của trẻ giảm nặng, rối loạn nhịp tim, chỉ số men tim cao. Trẻ được xác định viêm cơ tim cấp có sốc tim.

    Dưới sự chỉ đạo của TS.BS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa - đã hội chẩn và quyết định đặt máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để hỗ trợ trái tim đang co bóp yếu ớt và loạn nhịp nặng của bé N.H.

    cuu song 2 be gai viem co tim cap bang ky thuat tim phoi nhan tao
    Viêm cơ tim thường dễ bị nhầm thành cảm sốt thông thường. Ảnh: Báo Lao Động

    ThS.BS Trần Bá Dũng - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa - cho biết, sau 5 ngày điều trị ECMO, kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, thuốc trợ tim, tình trạng của bệnh nhi trên đã dần được cải thiện. Hiện tại, trẻ đã được cai ECMO và máy thở, còn thở ôxy, các chức năng sống ổn định. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi tình trạng phục hồi tim, đồng thời, cần tuân thủ tái khám thường xuyên sau khi ra viện.

    Theo thông tin mới được đăng tải từ báo Kinh tế và Đô thị, trường hợp thứ 2 là bé T.H. (13 tuổi) vào viện ngày 28/7. Trước đó 10 ngày, trẻ xuất hiện biểu hiện giống các bệnh lý thông thường như đau họng, ho khan, đau bụng, buồn nôn. Bố mẹ mua thuốc điều trị tại nhà nhưng trẻ ngày càng mệt hơn.

    Khi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, bệnh nhi này đã có biểu hiện thở gấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp. Trẻ được chuyển vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng sốc tim, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim.

    Ngay lập tức, trẻ được sốc điện chuyển nhịp tim, dùng các thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp, đặt ống nội khí quản và chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc tim – viêm cơ tim cấp – rối loạn nhịp tim. Trẻ được thở máy, tiếp tục dùng các thuốc hỗ trợ và đặt ECMO trong 5 ngày.

    Nhờ sự nỗ lực, làm việc không ngừng nghỉ, phối hợp điều trị của các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa và Trung tâm Tim mạch, bé T.H đã vượt qua nguy kịch. Hiện tại, trẻ tự thở, không có di chứng thần kinh, tiên lượng hồi phục tốt, tuy nhiên vẫn cần theo dõi lâu dài về tim mạch.

    Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ em như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…), nhiễm độc, một số bệnh lý tự miễn (như Lupus, Kawasaki,…) hay do quá mẫn với một số loại thuốc,… Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 – 2/100.000 trẻ (theo AHA – Hoa Kỳ).

    Theo bác sĩ Lương Minh Cảnh – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh.

    Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như: Mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho… Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như: Thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái,… cha/mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

    Cũng chính vì triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em đa dạng, không đặc hiệu, nên việc chẩn đoán sớm bệnh cũng gây ra nhiều thách thức cho bác sĩ lâm sàng. Theo nghiên cứu của Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cứu sống ở bệnh nhi viêm cơ tim được hỗ trợ ECMO khoảng 60% – tương đương với các nước phát triển.

    Đa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, trẻ nên hạn chế vận động nặng, không tham gia các môn thể thao đối kháng trong khoảng 3 – 6 tháng sau khi khỏi bệnh và cho đến khi hết tình trạng viêm cơ tim trên xét nghiệm. Trẻ cũng cần được theo dõi, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Phương Uyên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-song-2-be-gai-viem-co-tim-cap-bang-ky-thuat-tim-phoi-nhan-tao-a586430.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan