+Aa-
    Zalo

    Đề xuất cấm lái xe liên tục 3 giờ vào ban đêm: Có khả thi hay cần tính toán thêm?

    (ĐS&PL) - Bộ GTVT vừa đăng tải dự thảo Luật Đường bộ để lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo luật này sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2024. Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là quy định chi tiết về thời gian lái xe của tài xế ô tô kinh doanh vận tải.

    Hiện nay, Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10h/ngày và thời gian lái xe liên tục của các tài xế là không được quá 4h. Khi lái xe sau mỗi 4h, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút, sau đó mới tiếp tục được làm việc.

    Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản đã xảy ra. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lái xe mệt mỏi, không tỉnh táo khi lái xe trong khoảng thời gian từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Bên cạnh đó, ban đêm là thời điểm mà việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thường ít hơn, đường vắng tài xế chủ quan nên chạy quá tốc độ, vượt ẩu.

    Trong điều kiện mức độ chiếu sáng về đêm kém, tầm nhìn hạn chế khiến khả năng nhận diện tình huống và phản ứng của tài xế gặp nhiều khó khăn. Do đó, tại dự thảo Luật Đường bộ lần này, Bộ GTVT đã đề xuất quy định cụ thể thời gian lái xe liên tục vào ban đêm và giảm thời gian lái xe trong ngày đối với tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải.

    lai xe dem
    Đề xuất không được lái xe liên tục quá 3 giờ vào ban đêm. Ảnh minh hoạ.

    Cụ thể, Điều 56 của dự thảo nêu rõ thời gian lái xe liên tục của tài xế không được quá 4h. Trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h ngày hôm sau, tài xế không lái xe liên tục quá 3 giờ. Trong một ngày, tổng thời gian lái xe của tài xế không được quá 8h.

    Dự thảo cũng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe tối thiểu là 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt; 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải khác. Vào ban đêm (từ 22h đến 6h hôm sau), thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu là 30 phút.

    Quy định về giờ lái xe được Bộ GTVT bổ sung nhằm kiểm soát rủi ro gây tai nạn giao thông do tài xế mệt mỏi, ngủ gật, trong đó tập trung vào nhóm tài xế xe vận tải đường dài.

    Trao đổi với PV ĐS&PL về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian lái xe trong ngày theo đề xuất mới vẫn cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

    Ông Quyền phân tích, ở góc độ của người làm vận tải, khoảng thời gian từ 22h đến 6h ngày hôm sau là khoảng thời gian xe kinh doanh vận tải hoạt động. Lý do là khung giờ này đường vắng, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm độ hao mòn lốp. Nếu lái xe liên tục không quá 3 giờ như đề xuất thì sẽ phải chạy thêm vào khung giờ còn lại trong ngày, trong đó có nhiều khung giờ cao điểm sẽ gia tăng áp lực ùn tắc giao thông và tăng thêm nguy cơ tai nạn giao thông.

    Ông Quyền cho biết thêm, với những quy định mới về thời gian lái xe liên tục, khi chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì chưa nên đưa vào Luật. 

    Trao đổi với PV về cách thức giám sát thế nào để thực hiện được quy định trên, không để tái diễn tình trạng đối phó, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện nay việc giám sát quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam.

    Được biết, theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các xe kinh doanh vận tải.

    Tại đây, dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các sở giao thông vận tải địa phương để làm cơ sở xử lý.

    XEM THÊM: Đề xuất cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu cạn: Cần tính toán những phát sinh kèm theo

    Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe. Từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện.

    Ngoài ra, để hạn chế tai nạn giao thông vào ban đêm, cần lắp đặt đầy đủ hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế.

    Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân.

    Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-cam-lai-xe-lien-tuc-3-gio-vao-ban-dem-co-kha-thi-hay-can-tinh-toan-them-a585695.html
    Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

    Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

    Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn số 25-CĐ/BGTVT ngày 06/8/2023 điện Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Sở Giao thông vận tải các địa phương liên quan về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

    Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

    Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn số 25-CĐ/BGTVT ngày 06/8/2023 điện Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Sở Giao thông vận tải các địa phương liên quan về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên.