+Aa-
    Zalo

    Đề xuất tài xế ô tô kinh doanh vận tải không lái xe liên tục quá 3 giờ vào ban đêm

    (ĐS&PL) - Dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến nêu quy định chi tiết về thời gian lái xe của tài xế ô tô kinh doanh vận tải (xe biển vàng).

    Báo Dân Trí đưa tin, Bộ GTVT vừa đăng tải dự thảo Luật Đường bộ để lấy ý kiến rộng rãi. Dự án luật này sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2024.

    Trong dự thảo luật nói trên, một điểm đáng chú ý là quy định chi tiết về thời gian lái xe của tài xế ô tô kinh doanh vận tải (xe biển vàng). Theo đó, điều 56 của dự thảo nêu rõ thời gian lái xe liên tục của tài xế không được quá 4 giờ. 

    Trong khoảng từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không được quá 3 giờ. Trong một ngày, tổng thời gian lái xe của tài xế không được quá 8 giờ.

    Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành - thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ.

    Ngoài ra, dự thảo quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe tối thiểu là 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt; 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải khác. Vào ban đêm (từ 22h đến 6h hôm sau), thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu là 30 phút.

    Quy định về giờ lái xe được Bộ GTVT bổ sung nhằm kiểm soát rủi ro gây tai nạn giao thông do tài xế mệt mỏi, ngủ gật, trong đó tập trung vào nhóm tài xế xe vận tải đường dài.

    de xuat tai xe khong lai xe lien tuc qua 3 gio vao ban dem
    Vụ tai nạn xe khách 16 chỗ gặp ở Bình Thuận xảy ra ban đêm tháng 7/2020 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Ảnh: VnExpress

    Theo thông tin từ đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    Đáng chú ý, khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (từ 0h đến 6h). Thời điểm này đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, mệt mỏi, điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ.

    "Việc nghiên cứu giảm thời gian lái xe liên tục, tăng nghỉ ngơi cho tài xế trong khung giờ ban đêm là rất cần thiết",VnExpress dẫn lời đại diện Cục Đường bộ Việt Nam.

    Mặt khác, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ thấp hơn so với xe máy nhưng khi xảy ra lại rất nguy hiểm do chở nhiều người. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cho rằng cần kiểm soát chặt và tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo khi chạy xe, ngăn chặn tai nạn giao thông.

    Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian lái xe làm việc được giám sát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được các doanh nghiệp ghi nhận và truyền về Cục Đường bộ.

    Đề xuất nói trên không nhận được đồng tình của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh thời gian lái xe liên tục từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau có nhiều điểm bất hợp lý. 

    Nguyên nhân là người vận tải chuyên nghiệp thường làm thủ tục giao nhận hàng vào ban ngày. Ban đêm xe tải hoạt động nhiều vì khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ va chạm giao thông và độ hao mòn lốp.

    Nếu quy định này ban hành thì sẽ có một lượng đáng kể xe chạy khung giờ 22h-6h chuyển sang 6h-22h để tài xế được chạy liên tục 4 giờ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.

    XEM THÊM: Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao

    Đề xuất thời gian lái xe trong ngày không quá 8 giờ cũng không được ông Nguyễn Văn Quyền đồng tình vì "Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định lái xe không quá 10 giờ trong ngày là phù hợp". Nếu điều chỉnh quy định thời gian lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như dự thảo thì sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

    "Với quy định hiện hành, nhiều chuyến xe chỉ cần 1-2 tài xế, nhưng theo đề xuất mới phải bố trí 2-3 người. Điều này khó khả thi vì hiện khó tuyển dụng người lái xe đường dài và điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp", ông Quyền chia sẻ trên VnExpress.

    Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, quy định về thời gian lái xe chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì không nên đưa cụ thể vào Luật. Nếu xét thấy cần, cơ quan soạn thảo nên để cho Chính phủ quy định cụ thể.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-tai-xe-o-to-kinh-doanh-van-tai-khong-lai-xe-lien-tuc-qua-3-gio-vao-ban-dem-a585602.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Những điểm quan trọng trong dự thảo Luật Căn cước

    Những điểm quan trọng trong dự thảo Luật Căn cước

    Dự thảo Luật Căn cước sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

    12 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

    12 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

    Lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú; Bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi...là những điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được Bộ Công an trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.