+Aa-
    Zalo

    Đem gì đến tương lai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuộc sống mưu sinh, lo âu bộn bề, cuốn người ta vào những vòng xoáy liên hoàn tưởng không thể dừng, ngắt được, khiến hệ cảm xúc ít, mất dần.

    Thế giới đã sang năm 2019 theo lịch Mặt trời. Người Việt Nam, Trung Hoa và một số nước châu Á đón Tết Nguyên đán theo lịch Mặt trăng, như thể được thêm Xuân, thêm thời khắc. Cuộc sống mưu sinh, lo âu bộn bề, cuốn người ta vào những vòng xoáy liên hoàn tưởng không thể dừng, ngắt được, khiến hệ cảm xúc ít, mất dần. Ngỡ rằng, chỉ những đứa trẻ mới háo hức, náo nức mong chờ Tết.

    Tương lai, theo quan niệm - cách hiểu của mỗi người, có biên độ và hình dung khác nhau. Kề cận là ngày mai, tháng sau, năm tới, hay thể là hàng chục, hàng trăm năm. Người ta có quyền nghĩ về tương lai bất cứ lúc nào, nhưng dường như không thời điểm nào mơ về phía trước hợp hơn những ngày đầu năm mới.

    Cuối tháng 11/2018, tình cờ tôi được gặp thi sĩ Fernando Rendón đến từ đất nước của nhà văn Trăm năm cô đơn G.Márkez (Nobel 1982) tại phòng làm việc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ nói với nhau bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Phạm Long Quận - một người bạn của Giám đốc NXB Hội Nhà văn đương nhiệm - đã dịch thơ của Rendón và ông in tập thơ đầu tiên bằng tiếng Việt tại đây. Tôi không ngờ người sáng lập và Giám đốc Liên hoan Thơ quốc tế Medellin, Giám đốc Tạp chí Thơ Prometheus lại nghĩ về tương lai bằng cảm nhận sâu sắc về hiện tại và nỗi khổ đau về nhân loại từ quá khứ đến giờ: "Hãy áp tai xuống đất mà nghe: đoàn người dẫm đạp lên nhau đang ngày một nhiều hơn/Bạn muốn tôi nói về tôi. Hãy viết: Tôi đớn đau, tôi ca hát/Tôi đang rời đi. Hãy nói với riêng tư, như mê sảng, rằng cuộc đời tôi sẽ ra sao sau khi hiểu rằng lời hứa của mùa Xuân trong thời đại bị bắn tỉa bởi cái chết/Có cái giá thấp hơn mộng huyền rằng một đứa trẻ bị phục kích bởi một giả bầu trời, ở nơi và vào lúc địa ngục không thể đổi thay" (Trích tập "Tương lai được viết trên đá cổ").

    "Điểm nút" của bi kịch tinh thần thời hiện đại là ngờ vực và những giá trị ảo làm rối loạn lòng tin.

    Tốc độ, những đòi hỏi mức sống đa dạng, gia tăng, khiến con người ngày một thực dụng, vội vã. Người ta tranh thủ, thậm chí thường trực nghĩ cách chụp giật, mưu toan để lời nhanh, lãi nhiều, làm giàu tài sản, đến mức khi dùng từ "Ngân hàng", hầu hết ai cũng nghĩ đến tiền.

    Giao dịch ngân hàng càng về cuối năm càng nhộn nhịp.

    Đấy là ngân hàng tiền tệ.

    Còn ngân hàng tinh thần của nhân loại, như đang hao hụt, nghèo đi, dù văn hóa, thông tin bùng nổ, phong phú đến ngợp rối, quá tải với nhân quần.

    Xã hội nói chung đang ngưỡng mộ, tán thưởng các tỷ phú, đại gia kinh tế, chứ mấy ai vị nể, kiếm tìm để tôn vinh đại gia văn hóa, triệu phú tâm hồn? Hay bởi, tạp chí Forbes và các bảng xếp hạng chỉ đánh số thứ tự các nhân vật tầm cỡ bằng định giá tài sản triệu/tỷ USD?

    70% dân số ta vẫn sống nhờ nông nghiệp, nông dân vẫn phải cúi mặt xuống ruộng, tay chân ngập trong bùn cấy lúa theo phương thức canh tác mấy nghìn năm. Những diêm dân bạc mặt trên những cánh đồng muối phấp phỏng nắng - mưa, mồ hôi nước mắt mặn xót vì giá muối rẻ mạt. Quỹ sống một kiếp người quá ngắn so với lượng việc cần/muốn làm, dự định, kế hoạch đặt ra, chờ khai triển. Con người tìm mọi cách giảm lao động cơ học, thay thế bằng robot, tự động. Trong công nghiệp, sản xuất tự động, thì tăng sản phẩm. Trong nông nghiệp thì chọn giống, cách trồng để năng suất cao, thêm vụ. Cứ thế, tăng sản lượng và giảm thời gian. Cuộc chạy đua vũ bão khốc liệt tưởng không thể dừng lại. Nào ăn nhanh, uống nhanh, chuyển phát nhanh, giao hàng nhanh; các loại dịch vụ: Chụp ảnh lấy ngay, đồ ăn sẵn... Cứ thế, danh sách dịch vụ ngay - nhanh tăng lên chóng mặt. Đòi hỏi xã hội và mốt thời thượng, có cần phải luôn ngay, nhanh thế không? Có nên rút ngắn, đốt cháy giai đoạn những nghi thức truyền thống, sự kiện trọng đại của đời người đến mức tự làm mất đi giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc không?

    "Thế giới phẳng", công nghệ đã khiến thế giới thực sinh ra nhiều "thế giới". Chớp thời cơ, đón bắt và tận dụng công nghệ, con người ngày một rơi vào xoáy lốc đời sống công nghiệp máy móc, đơn điệu như nhân vật công nhân trong phim câm của nghệ sĩ vĩ đại Charlie Chaplin sản xuất và đóng vai chính. Tản bộ thư thả, uống trà thưởng hoa, nhâm nhi tách café thơm nóng hổi đọc báo sáng chiều - những hình ảnh ấy đang thành mong mỏi hiếm hoi, xa xỉ giữa xã hội quay cuồng vội vã, chớp nhoáng tranh thủ mọi việc, mọi nơi. Bước rất nhanh, tay cầm bánh, cốc Coca /café pha sẵn, vừa đi vừa nhai, đọc báo giấy trên xe bus, tàu điện ngầm hoặc lướt mạng, vừa ăn trả lời tin nhắn, gọi điện, email công việc...; chợp mắt ngắn ngủi trên phương tiện công cộng là thường.

    Dân số tăng lên, người với người lại xa cách hơn bởi giản lược tương tác, giao tiếp, tính chia sẻ cộng đồng và hiệu ứng lan truyền, cộng hưởng đích thực. Chân chính, trung thực, thực thụ,... đang là các tiêu chí - giá trị, đòi hỏi, câu hỏi thường trực trong xã hội đa tầng bị tác động, thậm chí bị suy chuyển, thao túng vì những "ảo", "giả" phổ biến đến mức khó bề phân biệt. Một bộ phận công dân toàn cầu đã nghiện "sống ảo", lệ thuộc thiết bị công nghệ hiện đại.

    Điện tử, số hóa thành một xu thế áp đảo, chiếm lĩnh những phương cách truyền thống. Đọc lướt, xem nhanh, không chỉ vì quá bận, mà là một xu thế của người đô thị bây giờ. Người ta quá tham nạp, thâu tóm, khám phá, trải nghiệm những mới lạ, mà quên mất phải có thời gian cần thiết để kịp ngấm, hiểu, có cảm giác với thứ mình tiếp nhận. Thế nên, mới sinh ra sách điện tử. Và văn hóa đọc giảm sút. Tiểu thuyết vốn được coi là "vũ khí hạng nặng" của mỗi nền văn học, đang là tiêu điểm từ chối của người bận rộn: Ôi, tôi chỉ có thời gian đọc truyện ngắn thôi. Đến cả nghề phóng viên - một trong 8 nghề nguy hiểm (và hấp dẫn nhất) người đang có nguy cơ bị chiếm, khi công nghệ lúc này đã có robot làm MC và phóng viên viết tin nhanh tính bằng vài chục giây. Công nghệ rõ ràng đã làm thay đổi cuộc sống loài người, về bề nổi, trở nên tiện ích, tiện nghi hơn. Tính từ "thông minh" phủ sóng từ đồ vật bất ly thân: Điện thoại, đến đồ gia dụng: Tủ lạnh, máy giặt và cả ngôi nhà: Điều khiển mọi chức năng thiết bị trong nhà bằng smartphone. Lớn nữa, đã có các thành phố, quốc gia thông minh, chính phủ điện tử. Rút ngắn thời gian, thủ tục ở các cơ quan hành chính, công quyền, có "cơ chế một cửa", lại thêm giao dịch điện tử đang dần phổ biến: Từ khai giấy tờ, đến làm thủ tục hải quan, hàng hóa, đến check in qua máy tự động ở sân bay. Tại thành phố Dubai, đã triển khai đội hình cảnh sát giao thông trên đường phố, gồm các robot tuần tra tự động, đồn cảnh sát tự động bằng robot, xe cảnh sát robot truy đuổi tội phạm. Dự kiến đến năm 2030, Dubai sẽ thay 1/4 cảnh sát bằng robot. Robot hóa được dự báo sẽ tăng tỉ lệ xuất hiện ở nhiều khu vực hơn. Robot với bộ "xương đặc biệt" làm lính đặc nhiệm mang hàng nặng qua nhiều nơi nguy hiểm, hiểm trở. Robot thay thế bồi bàn, nhân viên nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, mua sắm bằng thẻ, thanh toán trên mạng,... Taxi không người lái, vali tự hành (biết di chuyển theo ý chủ nhân, không cần tay kéo).

    Hãng thông tấn CNN (Mỹ) nổi tiếng thế giới đã tổng kết năm 2018 là năm của thông tin giả. Mạng xã hội với tốc độ nhanh nhất so với mọi hãng thông tấn chính thống và thời mà mỗi người chỉ với chiếc điện thoại cầm tay dễ dàng thành "phóng viên". Phần mềm chỉnh sửa, lắp ghép hình ảnh góp phần làm ra những hình ảnh khác xa sự thật, dối lừa thị giác và tâm lý, tâm trạng của người xem từ ý muốn tự phủ chính mình của người khởi phát, lại đặt toàn cầu vào "ma trận" đề toán hóc hiểm.

    Người ta không thể sống tích cực, nỗ lực nếu không có niềm tin, lạc quan về tháng ngày phía trước, những năm chưa đến... Tương lai của Trái đất là trẻ em. Hãy làm lành, xoa dịu những vết thương Trái đất! Đừng tận diệt muôn loài và khai thác tàn bạo tài nguyên. Hãy giữ vốn quý cho con cháu sau này, giữ hành tinh xanh cho thế hệ mai sau!
    H.Drummond cho rằng: "Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn". Ở đời, mọi chuyện xuất phát từ mỗi người, chính bản thân ta phải làm chủ, vượt qua, biết mình là ai. Ai trả lời đầy đủ nhất câu hỏi. Tương lai là gì?

    Ai giàu về tiền bạc, sẽ định nghĩa liên quan đến vật chất, thụ hưởng. Tiện nghi xa hoa, du lịch, mua sắm... - các nhu cầu "mê hoặc" số đông ấy, chắc chắn làm người ta sung sướng, hạnh phúc, thanh thản không? Những người đề cao giá trị tinh thần sẽ có cuộc sống phong phú, nhiều thang bậc cảm xúc và dồi dào ký ức hơn. Ký ức chẳng phải là đặc ân của tâm hồn mỗi người đó sao? Vốn sống, trải nghiệm lấy từ "vốn quá khứ" chính là căn cước nhận diện định hình mỗi người trong thực tại hỗn mong và tương lai ẩn chứa mơ hồ, bất trắc.

    Sự gia tăng dân số, tốc độ phát triển chóng mặt, chất thải công nghiệp và ý thức con người đã tàn phá Trái đất, ô nhiễm đất, nước, không khí. Loài người, loài văn minh nhất tưởng lập công lớn nhất với hành tinh này lại là loài ác nhất, tước đoạt, cướp dần môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác; có những loài tuyệt chủng, một số lớn ở mức báo động, nguy cơ diệt vong. Con người khai thác, sống dựa vào thiên nhiên, mà chưa bao giờ yêu quý thiên nhiên bằng sự biết ơn, trân trọng. Mặt đất, đại dương, bầu trời như Cha Mẹ vĩ đại, đã bao dung, độ lượng, cho con người bao cơ hội, kiên cường, nhẫn nhịn, chờ sự thay đổi, chuộc lỗi của chúng ta. Trong công cuộc làm giàu, đề cao lợi nhuận kinh tế, đa số quốc gia đã chung tay chống biến đổi khí hậu, kìm tốc độ gia tăng nhiệt độ Trái đất, song các cảnh báo liên tiếp vẫn không ngừng, như bão lũ thiên tai đang tăng mật độ. Tương lai gần: mốc năm 2020 đặt ra: không để Trái đất tăng vượt 1,50C, vì sẽ xảy ra hậu quả không chống đỡ được ở 2 cực, khi băng tan nhiều, nước biển dâng nhanh. Thời sự VTV đưa ra thống kê: Cứ 1 phút, lượng chai nhựa, chất thải đổ ra biển tương đương 1 xe tải. Với tốc độ này (8 triệu tấn/năm), đến năm 2020, lượng nilon, chai nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá, tăng thêm các đảo rác khổng lồ.

    Cá, sinh vật biển nuốt phải nhựa, chết vô kể, còn lại nhựa tích trong cơ thể chúng, người ăn cá và các hải sản ấy. Hiện hạt nhựa đã tìm thấy trong cơ thể người, nước ngọt, muối ăn.

    Nhân loại mong muốn, đặt những mục tiêu, đích đến ở tương lai, nhưng đã khi nào tự lục vấn mình: Chúng ta đem gì, có gì để đến tương lai ấy?

    Tùy bút của Vi Thùy Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dem-gi-den-tuong-lai-a260700.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan