+Aa-
    Zalo

    Hôm nay (11/7), xét xử cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vụ án ‘chuyến bay giải cứu’

    (ĐS&PL) - Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 người bị đưa ra xét xử trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

    Sáng nay (11/7), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), một số tỉnh thành và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 1 tháng, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

    hom nay 11 7 xet xu cuu thu truong ngoai giao to anh dung vu an chuyen bay giai cuu 1
    hom nay 11 7 xet xu cuu thu truong ngoai giao to anh dung vu an chuyen bay giai cuu 3
    hom nay 11 7 xet xu cuu thu truong ngoai giao to anh dung vu an chuyen bay giai cuu 2
    hom nay 11 7 xet xu cuu thu truong ngoai giao to anh dung vu an chuyen bay giai cuu 5
    hom nay 11 7 xet xu cuu thu truong ngoai giao to anh dung vu an chuyen bay giai cuu 4
    Các bị cáo vụ ‘chuyến bay giải cứu’ được dẫn giải đến phiên tòa xét xử. Ảnh: Vietnamnet

    Theo tờ 1 thế giới, trong vụ án này, 54 bị cáo bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

    Trong số 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, có 18 người bị Viện KSND tối cao truy tố ở điểm a khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

    Trong số đó có Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)…

    Theo cáo trạng, tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4.2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu).

    Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao tổ công tác của 4 bộ (Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó bổ sung Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

    Theo các chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

    Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với đại diện các bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.

    Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao; UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.

    Về quy trình cấp phép các chuyến bay combo, theo cáo trạng, doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Cục Lãnh sự lấy ý kiến tổ công tác của các bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.

    Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số người khác đã thực hiện hành vi phạm tội.

    Theo đó, cáo trạng xác định có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

    VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

    Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nộp lại 16,2 tỷ đồng trước khi ra tòa

    Theo báo Tuổi trẻ, nhiều bị cáo là cựu quan chức trong vụ "chuyến bay giải cứu" đã nộp lại ít nhất 3/4 số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ khi tòa đưa vụ án ra xét xử.

    Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Quang Linh, Cựu trợ lý Phó Thủ tướng đã 5 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 4,26 tỷ đồng.

    Đến nay, ông Linh cùng gia đình đã nộp 4,47 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ông Linh cũng được ghi nhận thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án.

    Tương tự, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  đã nộp lại 4 tỷ đồng trên tổng số 5 tỷ bị cáo buộc nhận hối lộ.

    Ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng gia đình nộp lại 1,75 tỷ đồng trên tổng số 2,05 tỷ đồng nhận hối lộ. Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cũng nộp lại 1,84 tỷ đồng, đúng bằng số tiền nhận hối lộ.

    Mới đây, trước khi phiên tòa được mở, luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết thân chủ của mình bày tỏ nhận thức được hành vi của ông là không đúng, đã cùng gia đình khắc phục số tiền 16,2 tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu".

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hom-nay-11-7-xet-xu-cuu-thu-truong-ngoai-giao-to-anh-dung-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-a582473.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan