+Aa-
    Zalo

    Khởi tố trưởng bản hủy hoại rừng lấy đất trồng cây cà phê

    (ĐS&PL) - Đối tượng Lò Văn Tiết đã tổ chức, thống nhất chia đất rừng phòng hộ tại khu vực Huổi Phày, với mục đích phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp trồng cây cà phê.

    Thông tin trên báo Vietnamnet, Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, vừa thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Lò Văn Tiết (SN 1978, ở xã Mường Chanh) về tội hủy hoại rừng.

    355480537 814586023488045 7740786382934611073 n 327
    Bị can Lò Văn Tiết nghe cán bộ đọc lệnh bắt giữ. Ảnh: Vietnamnet.

    Trước đó, vào tháng 8 và 9/2022, Lò Văn Tiết với vai trò là bí thư chi bộ, trưởng bản Pom Sản (nay là bản Nà Cà), xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn đã tổ chức họp Ban Quản lý bản và 59/60 hộ dân của bản để bàn, thống nhất chia đất rừng phòng hộ tại khu vực Huổi Phày do cộng đồng bản Pom Sản quản lý cho các hộ dân với mục đích phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp trồng cây cà phê.

    Ngay sau khi phát hiện vụ việc chặt phá, hủy hoại rừng, Công an huyện Mai Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành điều tra xác minh, làm rõ.

    Liên quan đến vụ án, báo Lao động đưa tin, sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, tổng diện tích rừng bị hủy hoại là 36.400m2, giá trị lâm sản bị thiệt hại trên 160 triệu đồng.

    Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, căn cứ vào tài liệu, kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Lò Văn Tiết về tội hủy hoại rừng, quy định tại điểm c, khoản 3, điều 243 - Bộ luật Hình sự.

    Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. 

    Tội Hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017

    1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

    b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

    c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

    d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

    đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

    e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    c) Tái phạm nguy hiểm;

    d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);

    đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

    e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

    g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);

    h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

    i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;

    b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;

    c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;

    d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;

    đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

    e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.”;

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

    d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

    đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoi-to-bat-giam-truong-ban-huy-hoai-rung-lay-dat-trong-cay-ca-phe-a580294.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan