+Aa-
    Zalo

    Làng đại học nơi vùng quê nghèo xứ Nghệ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cách đây vài chục năm, xóm 5, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu là một trong những xóm nghèo nhất của xã miền núi.

    (ĐSPL) - Cách đây vài chục năm, xóm 5, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu là một trong những xóm nghèo nhất của xã miền núi. Đất đai khô cằn, mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa lũ lụt, nên mất mùa đói kém liên miên. Để có cái ăn, nhiều nhà phải lên rừng chặt củi đem xuống các xã đồng bằng bán lấy tiền đong gạo. Nhưng trong cái khốn khó ấy, con em xóm 5 đã “tức chí bấm chí”, nỗ lực, chăm chỉ học hành. Và giờ đây, sự học ấy đang làm thay da đổi thịt từng ngày bộ mặt xóm làng. Về đây, người ta không còn gọi là “xóm nghèo” nữa mà thay vào đó là “xóm cử nhân” hay "xóm đại học".
    Nghèo khó cũng cho con cái ăn học đến nơi, tới chốn
    Con đường về xã Quỳnh Tân giờ đây không còn lầy lội như mấy năm trước mà đã được trải nhựa khang trang, sạch đẹp. Từ quốc lộ 1A, chúng tôi chỉ mất nửa tiếng đồng hồ để đến trung tâm xã. Khắp thôn xóm, đường làng đều có dấu ấn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bước chân vào xóm 5, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là những thửa ruộng xanh mơn mởn trổ đòng, hai bên đường những căn nhà ngói khang trang, sạch đẹp. Nhưng lạ thay, trên các cánh đồng, đường làng chỉ rặt người già, trẻ em, những lão nông với làn da rám nắng, tóc bạc màu sương gió. Đưa cái thắc mắc ấy hỏi đồng chí xóm trưởng Hồ Sỹ Thắng thì được hay rằng: “Tết nhất con em khắp Bắc chí
    Nam
    về mới đông đủ chứ ngày bình thường, xóm này quạnh quẽ lắm, toàn người lớn tuổi với trẻ con thôi. Người thì đi làm mãi tận Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai người ở học Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, một bộ phận không nhỏ là các con em của xóm này sau khi đỗ đạt ra trường, đã ở lại các thành phố lớn làm việc, lâu lâu có dịp mới về thăm cha mẹ, ông bà”.
    Anh Nguyễn Duy Sơn, một trong những người con thành đạt của "xóm đại học"
                Mới đến đầu làng Cồn chúng tôi đã gặp vợ chồng ông Nguyễn Duy Lô đang lụi hụi làm cỏ cho lạc. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng trông vợ chồng lão nông vẫn khỏe mạnh, làm việc nhanh lẹ như thanh niên trai tráng. Đặt đôi quang gánh xuống bên vệ đường, ông Lô vui vẻ pha trò: “Nhà đông con cháu mà đi làm ăn ở xa hết, chừ hai ông bà già như vợ chồng son. Tết nhất hay giỗ chạp gì tụi nó mới về chơ ngày bình thường chỉ có hai vợ chồng đi ra đi vào”. Là một trong những gia đình hiếu học nhất xóm 5, gia đình ông bà đã có một thạc sĩ và một cử nhân ra trường. Anh Nguyễn Duy Trì tốt nghiệp đại học y Hà Nội, hiện đang công tác tại bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Duy Sơn tốt nghiệp đại học luật, hiện công tác tại Văn phòng Công chứng Châu Á (Q3). Ngoài “cống hiến” cho xóm 5 hai đứa con xuất sắc, những năm vừa rồi gia đình ông bà còn “đóng góp” thêm 5 đại học là các cháu nội, ngoại. “Ngày trước mình không có cái chữ, nên nghèo khó, vất vả mãi. Muốn thoát đói nghèo, lạc hậu thì phải cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Có chữ thì nỏ lo chi chết đói, cứ “nặn” chữ ra mà ăn, mà kiếm sống” – Bà Dinh (vợ ông Lô) ngồi bên tâm sự. Hai con làm việc ở xa, nhưng mỗi tháng đều chu cấp đều đặn cho bố mẹ già. Trong câu chuyện với chúng tôi, đôi mắt của vợ chồng lão nông ánh lên vẻ tự hào về quê hương, con cháu.
    Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung (thứ 3 từ trái qua) là một trong những niềm từ hào của "xóm cử nhân"
    .
    Đối diện nhà ông Lô là gia đình bà Đậu Thị Tiến. Nhà bà Tiến có hai đứa con trai nhưng đều đi học đại học, tốt nghiệp ra trường quay về làm việc tại TP Vinh và Hà Tĩnh. “Xóm này nghèo nhưng được cái con cháu đứa nào cũng chăm chỉ, siêng năng học hành. Đời bố mẹ khổ rồi thì cũng cố gắng cho con cái chữ làm vốn để nó ra đời kiếm sống.”- Bà Tiến hồ hởi tâm sự.
               
    Không có gì “lãi” bằng việc đầu tư cho con cái học hành
     
    Trong xóm cử nhân, có lẽ gia đình anh Nguyễn Duy Thiều là gương sáng về sự vượt khó và hiếu học. Nhà đông con, hoàn cảnh thuộc diện khó khăn trong làng nhưng vợ chồng anh chị đã gồng gánh nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã “đóng góp” cho xóm cử nhân 2 đại học, 3 cao đẳng. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Thiều vui vẻ cho biết: “Ham chơi thì mình còn cấm đoán được chứ ham học làm sao mà cấm, tội con chết! Xã hội, làng xóm còn khuyến khích phong trào học tập thì mình cũng phải bớt ăn, nhịn uống mà cho con cái học hành nên người, cực mấy vợ chồng tui cũng chẳng nề hà”.
                Trong xóm đại học, ngoài gia đình ông Lô, bà Tiến, anh Thiều còn rất nhiều trường hợp khác như  gia đình bà Nguyễn Thị Liên, gia đình ông Hồ Sỹ Lạn, gia đình anh Nguyễn Cảnh Hùng, ông Dương Minh Toàn, chú Hồ Minh Mậu, bác Nguyễn Cảnh Trường, Hồ Văn Quang…. Dẫn tôi đi một vòng, xóm trưởng Hồ Sỹ Thắng quay lại nói như đùa: “Nếu anh em mình đi thế này, chắc có lẽ phải mất cả tuần mới hết các gia đình hiếu học trong xóm cử nhân. Xóm thì ít hộ thôi nhưng riêng tính thạc sĩ, đại học đã có gần trăm em, cao đẳng, trung cấp thì nhiều không kể hết”.
    Nhiều bậc cha mẹ vất vả nhưng quyết tâm nuôi các con ăn học nên người

    Xã Quỳnh Tân cũng có những xóm con em đỗ đại học cao như xóm 3, xóm 6, xóm 11… nhưng nhiều nhất vẫn là xóm 5. Trong một cuộc nói chuyện với người dân, đồng chí Cao Trọng Dong – nguyên Bí thư xã Quỳnh Tân (hiện là chủ tịch hội cựu chiến binh xã) đã phát biểu chân thành, sâu sắc: “Không có gì “lãi” và chắc chắn bằng việc đầu tư cho con cái học hành. Chính vì vậy bà con phải chịu khó, chịu khổ để các cháu được đến trường, học hành đến nơi đến chốn. Bộ mặt của quê hương, làng xóm, gia đình có thay đổi hay không chính là nhờ vào sự học ấy. Mù con chữ thì mù nhiều thứ và đói nghèo mãi mãi”. Gia đình đồng chí Dong cũng nằm trong xóm cử nhân, có hai con trai đã tốt nghiệp Học viện chính trị Quân sự, 2 cô con gái đỗ cao đẳng, tất cả đều đã ra trường đi làm.  

                Đưa sự học của xóm cử nhân trao đổi với đồng chí Hồ Minh Mậu, chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, gương mặt vị lãnh đạo trở nên phấn khởi, tự hào: “Là một xã miền núi, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào học tập ở đây phát triển rất mạnh, đặc biệt là xóm 5 luôn dần đầu về số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Những năm qua chúng tôi đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, khó khăn có con em đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng. Bên canh đó hàng năm quỹ khuyến học của xã Quỳnh Tân cũng tổ chức tặng bằng khen, trao quà, tiền động viên các em có thành tích xuất sắc ttrong học tập”. Gia đình chủ tịch Hồ Minh Mậu cũng đó “góp” cho “xóm cử nhân” 1 thạc sĩ và 3 đại học.

                Chia tay xóm cử nhân, trong lòng tôi dâng lên niềm cảm phục xen lẫn tự hào. Sự học đâu hẳn phải ở chốn đồng bằng, phố thị, nơi bố mẹ đầy đủ tiền bạc chu cấp thì con cái mới đến trường. Sự học có thể bắt nguồn, sinh nảy từ những vùng quê xa xôi, nghèo khó, nơi con chữ đánh đổi bằng mồ, nước mắt của người cha, người mẹ, nơi mà những đứa trẻ không cam chịu số phận, muốn thoát đói nghèo, lạc hậu. Và giờ đây xuôi ngược trên mọi miền đất nước, những đứa con của xóm cử nhân đang ra sức lao, học tập hết mình để thay đổi quê hương, gia đình, làm rạng danh một vùng đất khó khăn nhất của huyện Quỳnh Lưu.     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-dai-hoc-noi-vung-que-ngheo-xu-nghe-a126780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.