+Aa-
    Zalo

    Liên tiếp nhận quyết định xử phạt, Golden Gate lý giải ra sao?

    ĐS&PL Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Cổng Vàng (Công ty Cổng Vàng - Golden Gate) liên tục bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt trong thời gian gần đây, đại diện công ty cho biết các vi phạm này bản chất là các lỗi sai đã xảy ra từ thời gian trước tháng 6/2022.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Golden Gate lý giải, vào tháng 6/2022, Công ty có làm việc với UBCKNN về 4 lỗi vi phạm hành chính. Đến tháng 7/2022, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt hành chính trước 2 lỗi.

    Đối với 2 lỗi hành chính còn lại, do cần xác nhận và giải trình thêm, UBCKNN đã đồng ý để Công ty rà soát và gửi công văn giải trình. Sau khi làm việc và giải trình, đến tháng 10/2022, UBCKNN đã ra công văn phạt hành chính công ty cho 2 lỗi còn lại này.

    “Không có chuyện phía Golden Gate cố tình liên tiếp bị phạt chỉ trong vòng vài tháng, mà đây là các lỗi sai tồn đọng từ thời gian trước tháng 6/2022. Việc chia ra 2 quyết định là do trong quá trình làm việc, UBCKNN và công ty cần thêm thời gian để kiểm tra và giải trình”, đại diện Golden Gate cung cấp thông tin.

    Về nguyên nhân để xảy ra các sai phạm, phía Golden Gate lý giải do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2019 cho đến đầu năm 2022, các biện pháp giãn cách liên tục được triển khai, khiến cho việc lưu chuyển chứng từ trong nội bộ gặp khó khăn, dẫn đến việc công bố thông tin muộn một số tài liệu.

    “Công ty đã có một số thiếu sót trong quá trình vận hành dẫn đến chậm việc tuân thủ quy định. Từ đó, để đảm bảo việc tuân thủ ở mức độ cao nhất, công ty đã thành lập bộ phận Quan hệ cổ đông để chuyên trách cho các vấn đề này”, đại diện Golden Gate cho biết.

    117048218571770776927261081309664280688689n 2
    Golden Gate thừa nhận đã có những thiếu sót trong quá trình vận hành, dẫn đến việc công bố thông tin muộn một số tài liệu. Ảnh minh họa.

    Golden Gate được thành lập từ năm 2005, được biết đến như một “ông trùm” trong ngành F&B với việc sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng như: Gogi, Kichi Kichi, Vuvuzela, Manwah...

    Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Golden Gate ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với năm trước đó. Cụ thể, doanh thu của Golden Gate ghi nhận mức 3.318 tỷ đồng, giám 27,2%. Lợi nhuận gộp chỉ thu về hơn 1.900 tỷ đồng, sụt khoảng 30% so với con số của năm 2020.

    Kết thúc năm 2021, công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.

    Với đặc thù là một công ty cung cấp dịch vụ, Golden Gate thường sử dụng chính cổ phiếu của công ty, cũng như bất động sản của thành viên HĐQT để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.

    Cụ thể, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Golden Gate ghi nhận khoản vay dài hạn 71 tỷ đồng từ Ngân hàng VietinBank, lãi suất 7,5%/năm. Đây là khoản vay được đảm bảo bằng hàng loạt bất động sản của ông Nguyễn Xuân Tường – thành viên HĐQT, cùng với đó là xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Phong – Lại Yên – công ty con của Golden Gate, cùng toàn bộ tài sản đã và sẽ hình thành thuộc dự án đầu tư xây dựng 45 nhà hàng mới trong năm 2020,2021 và các quyền và lợi ích của công ty phát sinh từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm. 

    Các khoản vay ngắn hạn khác của công ty chủ yếu được đảm bảo bằng chính cổ phần của Golden Gate do Công ty Cổ phần Golden Gate Partners nắm giữ.

    Về bức tranh tài chính của Golden Gate, đại diện công ty nhận định tỷ lệ nợ trên vốn chủ của Công ty vào thời điểm này ở ngưỡng an toàn và không hề có yếu tố gây mất cân đối dòng tiền.

    “Ngoài ra, bản chất do Golden Gate là công ty cung cấp dịch vụ, với cấu trúc tỷ lệ tài sản cố định tinh gọn, nên việc sử dụng cổ phiếu Công ty để cầm cố cho các khoản vay là thông lệ bình thường”, đại diện Golden Gate chia sẻ thêm.

    Trong tháng 9/2022, Golden Gate đã thực hiện mua lại toàn bộ số Trái Phiếu được phát hành năm 2021 với giá trị mệnh giá là 493,7 tỷ VNĐ. Công ty cũng cho biết không có kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2023.

    Hồi tháng 3 năm nay, Golden Gate ghi nhận sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông, với việc Prosperity Food Concepts Pte Ltd - cổ đông cũ nắm giữ 32,92% vốn điều lệ của Golden Gate - đã được chuyển sang 3 nhà đầu tư mới của Singapore gồm Temasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd. 

    Bên cạnh đó, một phần vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập công ty là ông Trần Việt Trung - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Tổng Giám đốc cũng được chuyển đổi sang các nhà đầu tư mới. Sau giao dịch, tổng số cổ phần chuyển nhượng cho nhóm cổ đông mới là 35,95%.

    Trong diễn biến mới nhất, ngày 17/11 vừa qua, HĐQT Golden Gate công bố nghị quyết quyết định thành lập pháp nhân tại Singapore mang tên Universal Food & Beverage nhằm thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tổng số vốn đầu tư là hơn 4 triệu USD.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lien-tiep-nhan-quyet-dinh-xu-phat-golden-gate-ly-giai-ra-sao-a558115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan