+Aa-
    Zalo

    Người dân làng Mạ ước mơ có một cây cầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đã bao đời nay, người dân làng Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) ước mơ có một cây cầu qua sông.

    (ĐSPL) - Chỉ cách một con sông, nhưng đôi bờ lại có hai số phận khác biệt. Bờ sông bên này là những con đường rải nhựa trơn tru, những ngôi nhà khang trang, xe cộ chạy suốt đêm. Ngược lại, bên kia bờ lại là những ngôi nhà tranh tạm bợ, nghèo nàn và lạc hậu, mọi giao thương với bên ngoài chỉ nhờ vào chiếc thuyền nhỏ.
    Cô lập với thế giới bên ngoài
    Chúng tôi đến thăm làng Thanh Xuân hay còn gọi là làng Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), nằm lặng lẽ bên bờ kia của sông Chu. Đến với làng Thanh Xuân, nghe người dân chia sẻ mới thấu hiểu được cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, cũng như những nỗi niềm khát vọng của họ.
    Người dân làng Mạ ước mơ có một cây cầu
    Ngôi làng nghèo khó của làng Thanh Xuân bên kia bờ sông
    Chu
    Lúc đầu, khi hỏi đường về Thanh Xuân, chúng tôi được người dân nói trước rằng: “Đến làng Mạ phải qua sông đấy, không có cầu đâu”. Quả đúng là như thế, làng Mạ nhỏ bé ở bên kia sông Chu, muốn sang phải đợi thuyền.
    Đúng giờ tan tầm, trên bờ sông, rất đông các em học sinh và cả người lớn đang đợi thuyền qua sông. Thấy người lạ, các em nhỏ hiếu kỳ và nói rằng: “Người lạ qua sông phải mất tiền”. Hỏi ra mới biết, mỗi năm, người lái thuyền được trả công vài chục cân gạo, đổi lại người dân trong làng qua sông không mất tiền đò. Còn với người lạ, muốn qua sông phải mất 10 nghìn đồng.
    Người dân làng Mạ ước mơ có một cây cầu

    Học sinh ở làng Mạ phải vượt sông đi học hàng ngày

    Chỉ cách một con sông nhưng làng Thanh Xuân như bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Vào mùa khô, việc đi lại còn đỡ vất vả và nguy hiểm nhờ có thuyền, nhưng vào mùa lũ, nước dâng lên cao, chảy xiết thì mọi việc qua lại đều phải ngưng hẳn. Khi đó, cả làng như bị cô lập hoàn toàn.
    Người dân trong bản chủ yếu là người dân tộc Thái, sống bằng nghề nông, nhưng diện tích đất nông nghiệp cũng vô cùng ít ỏi.
    Trưởng thôn Vi Văn Tiên cho biết: “Làng Mạ hiện có 52 hộ, trong đó có tới 32 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, các hộ còn lại cũng chỉ thuộc diện đủ ăn. Cả làng có chưa đầy 6ha đất nông nghiệp, nuôi trồng gì cũng đều phụ thuộc vào thời tiết cả. Người dân làm lụng quanh năm nhưng chẳng đủ ăn. Không có cầu, mọi sự giao thương đều gặp trở ngại, ô tô không thể vào làng, vì thế muốn trao đổi, mua bán gì cũng khó. Bọn trẻ trong làng không ai học hành đến nơi đến chốn, vì nghèo quá. Cứ học giữa chừng, chúng bỏ học, rồi đi xa làm ăn kiếm sống”.
    Cuộc sống của người dân làng Thanh Xuân bao năm vẫn thế, vẫn làm lụng vất vả, vẫn gọi đò qua sông mỗi ngày và vẫn ngóng trông có cây cầu nối đôi bờ sông Chu.
    Giấc mơ về một cây cầu
    Có lẽ, với những người con của làng Thanh Xuân, không một giấc mơ nào lớn hơn giấc mơ về một cây cầu. Em Vi Thị Hà, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Xuân Cẩm, đang dắt xe đạp đợi lên thuyền cho biết: “Em ước được ở bên kia sông, để khỏi đi thuyền hàng ngày, vì em sợ nước lắm. Nhưng không thể bỏ học được. Mỗi lần trời mưa gió lại càng khổ, bọn em không ai dám qua sông.”
    Người dân làng Mạ ước mơ có một cây cầu
    Người dân đang chờ thuyền qua sông ở hai bên bờ sông
    Không những khó khăn trong phát triển kinh tế của thôn, ngôi làng này vẫn chưa có trạm y tế, nên mỗi khi có người ốm đau, sinh nở lại gặp vô vàn khó khăn. Chị Cầm Thị La, người trong làng bộc bạch: “Muốn đi chợ mua con cá, con mắm cũng phải qua bên kia sông. Mùa nước cạn còn đỡ, chứ mùa mưa lũ nhà có hết gạo ăn cũng đành nhịn thôi. Chỉ mong sao có một cây cầu cho chúng tôi đỡ khổ”.
    Trưởng thôn Vi Văn Tiên cũng tâm sự rằng, năm 2010, có một đoàn khảo sát về đo đạc, thiết kế một cây cầu để nối làng Mạ với thế giới bên ngoài. Nhưng kể từ đó đến nay, đã 4 năm trôi qua, người dân cứ chờ đợi mãi, hy vọng rồi lại thất vọng mà vẫn chẳng có cây cầu nào được dựng lên.
    Bị ngăn cách đã bao đời nay, cái nghèo khó vẫn cứ đeo bám từng nếp nhà ở làng Mạ. Cuộc sống của người dân theo đó cứ bấp bênh và chòng chành như con thuyền chở họ qua sông Chu mỗi ngày. Ngày qua ngày, những con người ấy vẫn nuôi giấc mơ về một cây cầu...
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-lang-ma-uoc-mo-co-mot-cay-cau-a71474.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan