+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông suy đa tạng do sốt mò, bác sĩ cảnh báo bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị cho một bệnh nhân suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

    TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng nguy kịch, theo Tri trức trực tuyến.

    Bệnh nhân là nam giới, 29 tuổi, làm việc trong trang trại chăn nuôi ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Cách vào viện một tuần, người bệnh xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.

    Ngày 10/4, người đàn ông này vẫn sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

    suy da tang do sot mo 1
    Vết thương do mò đốt của bệnh nhân. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, rét run, thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thở gắng sức, người mệt lả, tiếp xúc chậm, huyết áp tụt. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện 2 vết thương rất đặc trưng do mò đốt ở bẹn bên trái và mặt ngoài đùi bên phải.

    Theo bác sĩ Tình, bệnh nhân sốt mò có 2 vết mò đốt là rất hiếm gặp. Các xét nghiệm cận lâm sàng thể hiện bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng, tổn thương thận, gan cấp, rối loạn đông máu và viêm phổi. Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm và khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán suy đa tạng do sốt mò.

    Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, sử dụng biện pháp hỗ trợ các tạng suy. Sau 3 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện bệnh nhân hết sốt, đỡ khó thở, các tạng suy có dấu hiệu hồi phục.

    Trao đổi với VnEpress, BS Tình cho biết sốt mò, còn gọi là bệnh sốt ve mò, sốt rừng, hay gặp chủ yếu trong mùa mưa và nắng nóng, không lây từ người sang người. Bệnh do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi), ký sinh ở một số loài gặm nhấm, thú nhỏ (chuột, gà), truyền sang người qua vết đốt, thường ở vùng da mềm như nách, bẹn, bộ phận sinh dục, cổ, bụng, vành tai, rốn.

    Người bệnh nhiễm vi khuẩn khi đi làm đồng ruộng, vườn bãi, trang trại chăn nuôi. Như chàng trai trên làm việc tại trang trại chăn nuôi, đã bị mò đốt trong quá trình làm việc.

    Bệnh có biểu hiện đa dạng, đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết và phát ban. Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng, tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2 cm, có vảy đen.

    "Nếu chẩn đoán nhầm và điều trị không đúng kháng sinh đặc hiệu thường dẫn đến suy đa tạng, phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương và nguy cơ tử vong rất cao", BS Tình nói, thêm rằng thuốc hiệu quả nhất trong điều trị sốt mò là 2 nhóm kháng sinh khá rẻ tiền, gồm tetracyclin và clorocid.

    Để phòng bệnh, người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống như tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ lúp xúp, mặc quần áo kín, quần áo ngâm tẩm hóa chất chống côn trùng. Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-suy-da-tang-do-sot-mo-bac-si-canh-bao-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-a572157.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan