+Aa-
    Zalo

    Người vay tiền thiếu trách nhiệm: Làm thế nào bảo vệ quyền lợi của bên cho vay?

    ĐS&PL Tình trạng người vay trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ khiến nhiều công ty tái chính, tín dụng điêu đứng, có khả năng mất trắng khoản cho vay. Do đó, pháp luật cần xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp chây ì, có ý định chiếm đoạt tài sản để tạo sức răn đe.

    Thủ tục đơn giản dẫn tới nhiều rủi ro cho công ty tài chính

    Thị trường tài chính đang phát triển với tốc độ nhanh, các công ty tài chính đã giải quyết nhu cầu vay vốn của những khách hàng không đáp ứng được các quy định khắt khe của ngân hàng.

    Dù được cấp phép, hoạt động theo quy định của nhà nước, nhưng nhiều công ty tài chính, tín dụng hiện nay gặp phải không ít khó khăn trong việc thu hồi nợ, yêu cầu bên vay tiền thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết.

    hp0
    Luật sư Trần Văn Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Trần Văn Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thừa nhận, dịch Covid-19 kéo dài khiến cho đời sống của đại bộ phận người dân điêu đứng. Trong khi ngân hàng đưa ra nhiều thủ tục khắt khe, thời gian xét duyệt cho vay có thể kéo dài, nhiều người đã tìm đến các công ty tài chính, tín dụng như một lựa chọn để đảm bảo tiêu dùng.

    Theo Luật sư Huy, pháp luật hiện nay không bắt buộc trong hoạt động cho vay phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Pháp luật cho phép công ty tài chính có thể thỏa thuận với khách hàng về việc này, theo quy định nội bộ của công ty tài chính. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới việc các công ty tài chính, tín dụng khó thu hồi nợ.

    “Các công ty tài chính có thể cho vay theo kiểu dân gian hay gọi đó là “tín chấp” hay nói cách khác “vay không có tài sản đảm bảo”. Thực tế hiện nay, tôi từng được tiếp cận các hồ sơ vay với những khoản vay nhỏ thường là dưới 100 triệu đồng chỉ cần thông tin cá nhân như: chứng minh thư, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và không cần có tài sản bảo đảm”, Luật sư Huy dẫn chứng.

    Thủ tục vay quá đơn giản như vậy nên không ít công ty gặp phải tình trạng người vay cố tình trốn tránh, chây ì, không trả nợ theo thỏa thuận ban đầu. Điều này có thể xuất phát từ việc người vay không lường hết được khả năng trả nợ do có khó khăn về kinh tế,... Tuy nhiên cũng có những người từ ban đầu khi vay tiền đã có ý định chiếm đoạt nên cố tình chây ì, không trả nợ.

    “Do các quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay “tín chấp” của các công ty tài chính chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, có thực trạng, người đi vay mà hồ sơ chỉ cần thông tin cá nhân như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, ảnh cá nhân thêm vào đó là ký thêm hợp đồng vay. Đến hạn, họ lại không có tài sản nào để thanh toán cho khoản nợ. Dẫn đến công ty tài chính không biết bao giờ có thể thu hồi nợ được. Nếu có cũng kéo dài rất lâu và phải mất nhiều công sức. Bởi lẽ trường hợp 2 bên không thỏa thuận được khoản nợ phải trả thì bắt buộc phải khởi kiện đến tòa. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại tòa lại phức tạp và mất nhiều thời gian, chi phí… Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc nhiều con nợ có tâm lý rằng, các công ty tài chính, tín dụng không làm gì được họ”, Luật sư Huy phân tích.

    Phải xử lý nghiêm những người trốn nợ

    Trước thực trạng trên, Luật sư Trần Văn Huy cho rằng, cả người vay và người cho vay cần phải nâng cao trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình khi thực hiện các giao dịch.

    Đối với công ty tài chính, trước khi cho vay và giải ngân cho khách hàng cần có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin, gồm: lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn khác…

    Để tránh gặp phải rủi ro, công ty tài chính phải thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định của pháp luật để tổ chức xét duyệt cho vay theo theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay. Trường hợp quyết định không cho vay, tổ chức tín dụng thông báo cho khách hàng lý do khi khách hàng có yêu cầu.

    “Đối với người đi vay cũng phải cung cấp thông tin cho công ty tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng, gồm thông tin về nhân thân, năng lực hành vi, các yêu cầu khác như: các giấy tờ chứng minh nhân thân; năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích vay vốn; phương án sử dụng vốn; chứng minh khả năng tài chính để trả nợ; các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay…và các tài liệu khác do công ty tài chính yêu cầu”, Luật sư Huy nói.

    Sau khi cho vay, công ty tài chính có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.

    “Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận cho vay, công ty, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thù hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

    Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, Công ty, tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng”, vị Luật sư nhấn mạnh.

    Cũng theo Luật sư Huy, pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ đối với những người cố tình chiếm đoạt, trì hoãn, chây ì trả nợ. Nhẹ thì xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS hiện hành với khung hình phạt cao nhất lên tới chung thân.

    “Hiện nay các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng đều phải đăng ký và được cơ quan nhà nước cho phép. Đây là cơ sở để người vay có thể yên tâm. Để bảo vệ người cho vay, bên cạnh việc cẩn trọng của chính những công ty này trong việc xét duyệt hồ sơ, cho vay tiền, pháp luật cũng cần phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của họ. Cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chiếm đoạt, lẩn trốn, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, Luật sư Huy nói.

    Bên cạnh đó, bản thân người vay cũng cần nghiêm túc trong việc vay tiền, đảm bảo trả nợ đúng thời hạn đã thỏa thuận từ ban đầu. Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, tuy nhiên, không phải vì thế mà nhiều người dân lại viện tâm lý “người yếu thế” để trì hoãn, thậm chí là né tránh trách nhiệm trả nợ.

    “Cơ quan nhà nước cũng cần thanh tra, kiểm tra các công ty tài chính đặc biệt với các hồ sơ vay của khách hàng để thấy rõ có sự tuân thủ đầy đủ các quy định trong khâu thẩm định hồ sơ hay không. Nhất là đối với phương án và khả năng trả nợ của người vay. Từ đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ uy tín cho các cơ quan, tổ chức tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Huy khẳng định.

    Đình Hoàn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-vay-tien-thieu-trach-nhiem-lam-the-nao-bao-ve-quyen-loi-cua-ben-cho-vay-a541110.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.