+Aa-
    Zalo

    Nông nghiệp Thái Nguyên - Chuyển đổi số vững vàng phát triển

    (ĐS&PL) - Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của người nông dân khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tại Thái Nguyên, việc chuyển đổi số được lãnh đạo địa phương này đặc biệt chú trọng.

     

    Những năm gần đây các cấp ủy, chính quyền địa phương Thái Nguyên tích cực vào cuộc, đặc biệt người nông dân đã thay đổi về tư duy, sẵn sàng tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi.

    Từ việc triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể, hợp tác xã tiếp cận thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP được bán trên các nền tảng số như Tiktok, Facebook, Zalo…Phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ tự động hóa trong một số quy trình sản xuất sản phẩm OCOP. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

    Từ đầu năm 2022 HTX Tâm Trà Thái đã được tiếp cận với thương mại điện tử thông qua các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn do Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Nhờ đó hiện nay số lượng  sản phẩm chè được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmark.vn của HTX tăng nhanh, chiếm khoảng 50% trong tổng số sản phẩm tiêu thụ của HTX.

    Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Như Trang - Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, Tp. Thái Nguyên “Chúng tôi đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, trước đây nếu như chúng ta mở cửa hàng offline thông thường chúng ta tốn rất nhiều chi phí để có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, tuy nhiên khi có sàn thương mại điện tử thì chúng tôi có thể mở rất nhiều các cửa hàng trên các trang thương mại điện tử mà tốn chi phí rất ít”

    Đến nay trên 166.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, trên 2.400 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên hai sàn thương mại điện tử postmark.vn,  voso.vn với hơn 5.300 giao dịch, tổng trị giá trên 1,6 tỷ đồng. Cùng với đó các hộ sản xuất nông nghiệp đã được hướng dẫn, xây dựng kịch bản và kỹ thuật phát sóng trực tiếp (livestream) bán sản phẩm trên MXH cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người tham gia bằng hình thức trực tuyến, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, danh mục sản phẩm. Hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho hàng trăm doanh nghiệp, HTX.

    Phỏng vấn bà Nguyễn Thuý Ngọc - Phó GĐ Bưu điện tỉnh Thái Nguyên Trong thời gian vừa rồi chúng tôi cũng đã hỗ trợ nông dân, thứ nhất là đào tạo tập huấn để hướng dẫn bà con sử dụng thành thạo và đưa các thông tin của sản phẩm lên sàn postmark và thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với hộ nông dân, liên minh hợp tác xã để tiếp tục đào tạo tới bà con nông dân ở trên địa bàn toàn tỉnh. Doanh số bán qua các sàn thương mại điện tử, hiện tại ở tỉnh Thái Nguyên chiếm tỷ trọng lớn trong phần doanh thu của đơn vị”

    Ngoài ra, nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác số hóa thông tin, dữ liệu Ngành đã được đưa vào sử dụng như: Phần mềm quản lý cây xanh “ThaiNguyen SmartTrees”,  Hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tích hợp thông số tại các trạm đo mưa tự động và hệ thống camera trực tuyến giám sát mực nước tại các điểm xung yếu phục vụ quản lý một số hồ, đập thủy lợi, đê bao, lưu vực sông trên địa bàn tỉnh… Hay phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tử (citywork.vn). 

    Những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha, đất nông nghiệp trồng trọt đạt gần 118 triệu đồng/ha, vượt kế hoạch. Toàn tỉnh có thêm 7 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 53 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá, xếp hạng OCOP trong đó có 07 sản phẩm đủ điều kiện dự thi OCOP 5 sao cấp quốc gia. Nông nghiệp – nông thôn đã đóng góp tích cực vào mức tăng chung của kinh tế tỉnh Thái Nguyên.

    Phỏng vấn Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt - TP. Thái Nguyên: “Khi mà chúng tôi đã xây dựng, đã có giá trị chứng nhận OCOP 4 sao, trong năm 2020 chúng tôi đăng ký một sản phẩm để lên mức 5 sao thì chúng tôi mới bắt đầu được Sở Công thương, Công ty xúc tiến thương mại, khuyến công những người trực tiếp quản lý chúng tôi và cũng hướng dẫn chúng tôi từ cách thương mại đến hệ thống công nghệ cao từ đó tiếp cận với người dân để hôm nay có khoảng độ 3 tấn chè mình sao hết thì ngày mai 4 tấn chúng tôi có thể sao tiêu giúp cho bà con làm sao để hoàn thành trong buổi hôm nay chè phải tươi ngon luôn thì khuyến công hệ thống và máy móc do hợp tác xã, nhưng công nghệ bên khuyến công đã nhìn nhận cũng như hợp tác hỗ trợ cho chúng tôi có một dây chuyền máy móc công nghệ cao để sản xuất đạt hiệu quả". 

    Những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030 và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

     Từ câu chuyện “trụ đỡ” của nền kinh tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được định hình một đích đến, một sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững theo hướng sinh thái. Nông nghiệp đã, đang và sẽ được coi là quan trọng không chỉ trong lúc kinh tế đất nước khó khăn mà ngay cả khi đất nước phát triển.




    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-nghiep-thai-nguyen-chuyen-doi-so-vung-vang-phat-trien-a574069.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.