+Aa-
    Zalo

    Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS): Dứt “mạch” thua lỗ, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn

    (ĐS&PL) - Mặc dù kinh doanh khởi sắc trong năm 2022 nhưng với mức lỗ lần lượt 38,1 tỷ đồng và 76,8 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021, NCS vẫn lỗ luỹ kế xấp xỉ 98 tỷ đồng.

    Theo Nghị Quyết của HĐQT Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội bài (mã chứng khoán: NCS), doanh nghiệp này dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 21/4.

    Báo cáo tài chính năm quý IV/2022 của Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 130,3 tỷ đồng, tăng gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tiêu này chỉ ở mức 1,4 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí khác, NCS báo lãi sau thuế 8,5 tỷ đồng trong quý IV/2022.

    ncs1

    Lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của NCS đạt 5,3 tỷ đồng.

    Theo NCS, năm 2022 thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19. Mặt khác, công ty đẩy mạnh bán các sản phẩm nonairlines và thực hiện cắt giảm chi phí.

    Do đó, doanh thu và lợi nhuận đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2022, hoạt động cung cấp suất ăn của NCS đóng góp vào cơ cấu doanh thu hơn 339 tỷ đồng, giúp tổng doanh thu bán hàng của công ty này đạt 413 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế NCS đạt 5,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ gần 77 tỷ đồng.

    Mặc dù kinh doanh khởi sắc trong năm 2022, tuy nhiên với mức lỗ lần lượt 38,1 tỷ đồng và 76,8 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021, NCS vẫn lỗ luỹ kế xấp xỉ 98 tỷ đồng.

    Chất lượng tài sản của NCS cũng đang tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản NCS đạt hơn 514 tỷ đồng, tăng nhẹ 6 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 242 tỷ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn (152,2 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu còn hơn 81 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 179 tỷ đồng.

    Tại báo cáo tài chính giữa niên độ đã soát xét, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến về tình trạng nợ ngắn hạn của NCS đang vượt quá tổng tài sản ngắn hạn, đồng thời nhấn mạnh khả năng hoạt động của NCS phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 trong tương lai, khả năng tài trợ vốn của các ngân hàng thương mại và chính sách điều hành của ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính năm 2022, đơn vị kiểm toán không đưa ra ý kiến nào về vấn đề trên.

    Tổng số nợ phải trả của NCS tại thời điểm 31/12/2022 là 432 tỷ đồng, trong nợ ngắn hạn là 241,3 tỷ đồng; nợ dài hạn là 190,7 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/trên vốn chủ sở hữu ở mức cao, lên tới 5,3 lần.

    ncs2

    Chi tiết các khoản vay nợ ngân hàng của công ty NCS.

    Theo lý giải của NCS, do cơ sở mới được đầu tư với tỷ lệ vốn vay là 69% nên đến cuối năm 2022, tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bằng các khoản nợ.

    Hiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đông Anh đang là chủ nợ lớn nhất của NCS, với khoản vay dài hạn hơn 189 tỷ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả 60,6 tỷ đồng và vay ngắn hạn 48 tỷ đồng. Ngoài ra, NCS vay ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) số tiền 26,3 tỷ đồng.

    Về cơ cấu cổ đông, tính đến hết năm 2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nắm 60,17% vốn điều lệ của NCS, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất nắm 10,03%, Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam nắm 1,7%, các cổ đông khác nắm 28,09%.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suat-an-hang-khong-noi-bai-ncs-dut-mach-thua-lo-no-ngan-han-vuot-qua-tai-san-ngan-han-a570952.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan