+Aa-
    Zalo

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu ra lý do cần can thiệp sớm để hạn chế rút tiền như vụ SCB

    (ĐS&PL) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có những giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về giảm giới hạn sở hữu của cổ đông để hạn chế thao túng và sở hữu chéo, việc can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt… tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều 10/6.

    Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò “người cứu cánh” cuối cùng

    Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý là quy định Ngân hàng Nhà nước được can thiệp sớm trong một số trường hợp.

    Đó là khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ.

    Trong các trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng khác, có thể cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0%/năm.

    thong doc ngan hang nha nuoc neu ra ly do can can thiep som de han che rut tien nhu vu scb1
    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quochoi.vn

    Vietnamnet dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy định này được ban soạn thảo dựa trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10/2022.

    Đặc biệt, ban soạn thảo tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, mà gần đây là các ngân hàng thương mại của Mỹ.

    “Nếu các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệp sớm”, bà Hồng nhấn mạnh.

    Trong quá trình can thiệp sớm, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng. Họ phải có phương án xây dựng để khắc phục những khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ, đặc biệt trong giai đoạn này thì cần các giải pháp hỗ trợ.

    Luật hiện hành có quy định biện pháp can thiệp sớm nhưng chỉ có thời hạn 1 năm, rất là ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ nên trong thực tiễn rất khó triển khai.

    Chính vì vậy, dự thảo luật lần này quy định có các biện pháp hỗ trợ, có cả hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay “cứu cánh cuối cùng”.

    Dự luật cũng quy định huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, bảo hiểm tiền gửi và từ Ngân hàng Hợp tác xã.

    “Dự luật đã thiết kế theo hướng huy động nguồn lực để hỗ trợ, qua đó để tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và cũng để giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc phân tích.

    Giảm giới hạn về sở hữu cổ đông và người có liên quan

    Một vấn đề khác được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc đến là điều chỉnh giảm giới hạn về sở hữu cổ đông và người có liên quan.

    Dự thảo luật thiết kế như vậy mục đích hướng đến hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền từ Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội đều yêu cầu việc này.

    Với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng liên quan đến tiền thì dự thảo Luật đã theo hướng mở rộng người có liên quan.

    "Đối với ý kiến đại biểu băn khoăn quy định như thế này thì đã khắc phục triệt để được hay chưa, báo cáo các đại biểu là quy định nhưng muốn thực hiện quy định này đi đôi với quy định trong Luật thì phải là vấn đề tổ chức thực hiện.

    Trên bề mặt thực tiễn thì tỷ lệ sở hữu cũng như sở hữu chéo về cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn rõ ràng như một số đại biểu nói rằng có thể các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên mà đối với ngân hàng cũng không thể nắm được", bà Hồng cho biết.

    Thống đốc cho rằng những việc quy định này là một trong những cách để hạn chế thôi còn muốn thực hiện được, giải quyết được việc này thì đòi hỏi cũng rất nhiều công cụ, giải pháp từ nhiều cơ quan khác nhau.

    Ví dụ như việc ngày càng minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch của dân cư hay cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn cổ phần hay các giao dịch của doanh nghiệp thì lúc đó sự phối kết hợp giữa các bộ ban ngành có thể sẽ minh bạch hóa được các giao dịch thì vấn đề này mới ngày càng hạn chế.

    Cũng trong dự luật quy định giảm tỉ lệ phụ thuộc này xuống, các khách hàng và người có liên quan vay vượt 15% vốn tự có thì vẫn có cơ chế.

    Đó là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ với nhau. Bởi vì, nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng khi doanh nghiệp gặp sự cố. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì Thủ tướng quyết định. 

    “Còn nếu để quy định như hiện hành, với nhu cầu vốn ngày càng tăng cao, vốn điều lệ ngày càng tăng cao thì có thể sẽ tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc cảnh báo.

    Thống đốc cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, quy định sao cho nó phù hợp để làm sao không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, theo Dân Trí.

    Thùy Dung (t/h)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-neu-ra-ly-do-can-can-thiep-som-de-han-che-rut-tien-nhu-vu-scb-a578465.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất biện pháp ứng phó khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

    Đề xuất biện pháp ứng phó khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

    Để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.