+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 4/5: Bé sơ sinh phát hiện mắc bệnh hiếm gặp sau 10 ngày sốt liên tục

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/5/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 4/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bé sơ sinh phát hiện mắc bệnh hiếm gặp sau 10 ngày sốt liên tục

    Bé trai sơ sinh 2 tháng tuổi ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) được đưa tới Bệnh viện Fortis trong tình trạng sốt, khó chịu, có các cử động bất thường gồm trợn mắt, phồng đỉnh đầu và quấy khóc.

    Theo Hindustan Times, thời điểm vừa nhập viện, em bé được chẩn đoán viêm màng não. Vì không thể kiểm soát các cơn co giật, bệnh nhi được đặt nội khí quản và dùng kháng sinh. Về mặt lâm sàng, bé có dấu hiệu cải thiện khi bú và hoạt động nhưng tình trạng sốt cao không thuyên giảm.

    Bệnh nhi sốt 3-4 đợt/ngày. Sau khi kiểm tra dịch não tủy nhiều lần, kết quả dương tính với virus cytomegalo (CMV). Trẻ được tiêm thuốc kháng sinh ganciclovir trong 6 tuần sau đó.

    Thế nhưng, cơn sốt vẫn không thuyên giảm sau 10 ngày. Xét nghiệm dịch não tủy cho thấy trẻ bị nhiễm trùng rhodotorula, trường hợp lần đầu tiên được báo cáo trên toàn cầu.

    TS Ashutosh Sinha, Giám đốc - Trưởng khoa Nhi của bệnh viện chia sẻ, rhodotorula là loại nấm men quý hiếm, chưa được xác định hoặc tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không được điều trị ngay lập tức và đúng cách, cơ hội sống sót của bệnh nhi là rất thấp.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 452023 be so sinh phat hien mac benh hiem gap sau 10 ngay sot lien tuc
    Rhodotorula là loại nấm men quý hiếm, chưa được xác định hoặc tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không được điều trị ngay lập tức và đúng cách thì cơ hội sống sót của bệnh nhi là rất thấp. Ảnh minh họa: Pixabay

    Về cytomegalo, đây là loại virus phổ biến và một khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ lưu giữ virus này suốt đời. Hầu hết người bệnh không biết họ nhiễm virus này vì nó hiếm khi gây ra vấn đề ở người khỏe mạnh. Nhiễm trùng cytomegalo thường xảy ra ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và HIV hoặc người đang hóa trị.

    “Trước đây, tôi từng ghi nhận trường hợp nhiễm CMV ở trẻ sơ sinh do bị lây từ mẹ lúc mang thai hoặc qua sữa mẹ nhưng nhiễm trùng não là rất hiếm. Một số em bé có thể bị nhiễm qua sữa mẹ.

    Trong trường hợp này, chúng tôi không thể xác định chắc chắn liệu sữa mẹ có phải là chất mang mầm bệnh dù đã cho trẻ ngừng bú để hạn chế phơi nhiễm", bác sĩ Sinha nói.

    Trong khi đó, TS Shubham Garg, Chuyên gia tư vấn cấp cao - Phẫu thuật ung thư của bệnh viện cho hay, việc tìm tĩnh mạch để tiêm thuốc cho trẻ sơ sinh là thách thức đối với các bác sĩ. Bệnh nhi 2 tháng tuổi phải tiêm thuốc qua tĩnh mạch suốt một tháng.

    Ở trường hợp bệnh nhi này, vì các mạch/tĩnh mạch của trẻ quá nhỏ, không vừa với đường kính của ống thông nên các bác sĩ phải làm một chiếc ống đặc biệt có kích thước nhỏ để đặt thành công trong tĩnh mạch với sự hỗ trợ của gây mê.

    Theo các bác sĩ Bệnh viện Fortis, đây là trường hợp đầu tiên nhiễm nấm men rhodoturula và viêm màng não do virus cytomegalo được điều trị thành công trên thế giới.

    Dị ứng thuốc nặng sau khi sử dụng thuốc nam, thuốc đông y

    VTV News thông tin, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân bị dị ứng thuốc thể nặng (hoại tử thượng bì nhiễm độc) do thuốc đông y và thuốc nam.

    Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân 40 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa phát hiện bệnh khác, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc. Bệnh nhân nhập viện khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em Bệnh viện Da liễu Trung ương vì các dát thâm hoại tử trên da.

    Bệnh bắt đầu 9 ngày trước khi nhập viện. Khởi phát, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên. Sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt.

    Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Các niêm mạc không có thương tổn, bệnh nhân đau rát nhiều.

    Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp. Xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan. 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu quá trình bệnh như trên.

    Người bệnh được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

    Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 55 tuổi, nhập khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da. Bệnh diễn biến 7 ngày trước khi vào viện. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước, có sốt cao.

    Khám lúc vào viện thấy dát đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa. Các niêm mạc không có thương tổn. Các xét nghiệm của bệnh nhân có hạ bạch cầu và tăng men gan.

    Trước khi bị bệnh 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó có uống thuốc nam (dạng sắc), điều trị viêm dạ dày trong ba tuần, chưa phát hiện các bệnh lý khác.

    Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (corticoid toàn thân) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

    Trong 2 trường hợp bệnh này, các bác sĩ xác định thuốc gây dị ứng dựa trên mối tương quan giữa thời gian dùng thuốc với thời điểm khởi phát bệnh, không thực hiện các xét nghiệm dị ứng như phản ứng chuyển dạng lympho bào, test áp da (patch test).

    Người đàn ông nhiễm cả giun lươn và giun đũa chó mèo

    VnExpress dẫn thông tin từ đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết nam bệnh nhân 63 tuổi nhập viện trong tình trạng đầy hơi, đau bụng từng cơn kèm buồn nôn, tiêu chảy từng đợt, ra máu.

    Bệnh nhân kể, công việc chính là nuôi mèo, ngoài ra còn thường xuyên làm đất chăm sóc cây cảnh, xử lý phân của vật nuôi mà không có đồ bảo hộ. Ông bị rối loạn tiêu hóa từ năm 2019, khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được bệnh.

    Gần đây, tình trạng ngày càng nặng, ông tưởng mình bị ung thư nên đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, sau đó chuyển về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

    Khi xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện nhiễm hai loại ký sinh trùng là giun lươn ký sinh trong đường tiêu hóa, gây tiêu chảy mạn tính, kèm giun đũa chó mèo. Tình trạng nhiễm giun lươn nặng nên các bác sĩ ưu tiên điều trị trước.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 452023 be so sinh phat hien mac benh hiem gap sau 10 ngay sot lien tuc1
    Hình ảnh giun lươn ký sinh trong cơ thể người. Ảnh: Oddity Central

    Được biết, giun lươn là một loại giun tròn ký sinh trong đường ruột và gây bệnh, nguyên nhân chủ yếu do ăn uống các loại thực phẩm có chứa ấu trùng. Hầu hết trường hợp nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng nên nhiều người mắc ký sinh trùng này hàng chục năm nhưng không được chẩn đoán.

    Về giun đũa chó mèo (Toxocara), đây là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người. Người uống nguồn nước có trứng giun hoặc ăn rau được tưới bằng nguồn nước này có thể bị nhiễm bệnh.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-4-5-2023-be-so-sinh-phat-hien-mac-benh-hiem-gap-sau-10-ngay-sot-lien-tuc-a574219.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan