+Aa-
    Zalo

    Tồn tại nhiều bất cập trong công tác mua sắm công

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quá trình sử dụng ngân sách Nhà nước tại một số đơn vị còn tồn tại nhiều bất cập khi một gói thầu có dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng. Thế nhưng, chủ đầu tư lại im lặng trước sự bất thường này.

    Giáo dục và đào tạo giúp cho người học có tri thức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy, hoàn thiện nhân cách, đạo đức để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Nếu có bất cứ sai phạm nào xảy ra trong ngành này thì đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là hàng ngàn con người trong hệ thống, chất lượng giáo dục và đặc biệt là các học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

    Thời gian vừa qua, những vụ án khởi tố liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục khiến dư luận có cơ sở để băn khoăn về việc cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi ngân sách. 

    Trước thực trạng đó, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại nhiều địa phương, đơn vị. Qua đó, để đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế mất mát đáng tiếc về cả tài sản và nhân sự có trình độ. 

    Theo Quyết định số 123-QĐ ngày 21 tháng 3 năm 2020,  phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm thiết bị dùng chung cấp Trung học cơ sở năm học 2020. Đơn vị trúng thầu là trung tâm Điện tử. Giá trúng thầu là .190.626.000 đồng (Bằng chữ: Tám tỷ, một trăm chín mươi triệu, sáu trăm hai mươi sáu nghìn đồng). So với giá dự toán 8.314.797.000 đồng (Bằng chữ: Tám tỷ, ba trăm mười bốn triệu, bảy trăm chín mươi bảy nghìn đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 124.171.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,49%.

    Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá thị trường. 

    Có thể dẫn dụ một số sản phẩm như: Máy chiếu đa năng NEC có đơn giá tại gói thầu này là 53.436.000 đồng/cái, nhưng theo 1 đơn vị chuyên cung cấp mặt hàng này, với cùng model, xuất xứ thì phóng viên nhận được báo giá chỉ 18.590.000 đồng/cái. Với số lượng mua sắm 27 cái, số tiền chênh lệch là 903.042.000 đồng.

    Máy chiếu vật thể có đơn giá tại gói thầu này là 19.340.000 đồng/cái, nhưng theo khảo sát của phóng viên với cùng model, xuất xứ, trên thị trường sản phẩm được bán giá 9.200.000 đồng/cái.

    Đàn organ Yamaha có đơn giá tại gói thầu này là 27.396.000 đồng/cái, nhưng theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường sản phẩm với cùng model, xuất xứ được bán với giá chỉ 8.844.000 đồng/cái. 

    Phóng viên vẫn chưa tiến hành nghiên cứu hết toàn bộ sản phẩm, tuy nhiên, chỉ tìm hiểu ngẫu nhiên 22 mặt hàng, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá so với thị trường, số tiền chênh lệch là 3.087.909.700 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, không trăm tám mươi bảy triệu, chín trăm lẻ chín nghìn, bảy trăm đồng).

    Xin được nói rõ hơn, những đơn giá khảo sát của phóng viên trên thị trường đều được đơn vị cung cấp chính hãng báo giá bằng hóa đơn hợp lệ tại thời điểm khảo sát.

    Để tìm hiểu rõ hơn giá trị thực tế của sản phẩm trong gói thầu, vì sao lại có sự chênh lệch cao như vậy, PV đã liên hệ phòng, nhưng đơn vị này không phản hồi.

    Với nhiều sản phẩm có dấu hiệu mua sắm giá cao thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét rà soát lại quy trình thực hiện lập dự toán, giá gói thầu thiết bị. Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được nghi vấn việc chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tham gia định giá đã có sự “bắt tay”, “móc ngoặc” để nâng giá gói thầu.

    Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

    Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

    Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

    a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; 

    b) Thông thầu; 

    c) Gian lận trong đấu thầu; 

    d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

    đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

    e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; 

    g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

    Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: 

    a) Vì vụ lợi; 

    b) Có tổ chức; 

    c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

    d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

    đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

    Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ phạm tội với mức xử phạt có thể lên đến 20 năm tù.

    Lê Vân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ton-tai-nhieu-bat-cap-trong-cong-tac-mua-sam-cong-a597987.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Mua sắm thiết bị giá cao bất thường?

    Mua sắm thiết bị giá cao bất thường?

    Gói thầu có dấu hiệu mua sắm cao hơn giá nhập khẩu đến cả tỷ đồng đã đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý và trách nhiệm trong hoạt động mua sắm công.