+Aa-
    Zalo

    Tranh cãi về đề xuất xử lý nặng hơn với tài xế vi phạm nồng độ cồn

    • DSPL
    ĐS&PL Mới đây, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng mức độ xử lý với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác vẫn đồng tình với mức xử phạt như hiện tại.

    Thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), trong năm 2022, CSGT đã xử lý 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Trong đó, 30% số vi phạm nồng độ cồn bị xử lý vượt mức kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0.4 mg/l thở).

    Theo thống kê, hơn 350 vụ tai nạn giao thông mà tài xế vi phạm nồng độ cồn đã xảy ra trên cả nước trong năm qua. Hậu quả là khiến 214 người chết và 268 nạn nhân bị thương. Hiện vấn đề vi phạm nồng độ cồn vẫn có dấu hiệu gia tăng.

    Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết việc vi phạm nồng độ cồn kéo theo nhiều vi phạm khác như chạy quá tốc độ, đi sai làn, vượt đèn đỏ… Với mức trên 0,4 mg/l khí thở, tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông không còn tỉnh táo. Điều này đặc biệt nguy hiểm và có thể tạo ra những vụ tai nạn giao thông liên hoàn.

    Bên cạnh đó, nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn đã mất kiểm soát, cản trở và chống đối với lực lượng CSGT. Trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian để xử lý những vi phạm này.

    img bgt 2021 40 1674539161 width1280height720 1
    Tài xế vi phạm nồng độ cồn không chịu hợp tác với CSGT

    Tranh cãi đề xuất tăng hình phạt

    Về ý kiến tăng mức xử phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn, Thượng tá Phạm Quang Huy cho rằng mức xử lý tăng tới đâu, áp dụng đối với những trường hợp ra sao thì cần phải nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, đảm bảo quyền công dân, tính nhân văn trong việc xây dựng pháp luật.

    Thượng tá Phạm Quang Huy nhận định đề xuất tăng hình phạt với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là có cơ sở. Hiện nay, người dân vẫn duy trì tình trạng sử dụng rượu bia trong giao tiếp, sinh hoạt và tham gia giao thông sau khi sử dụng chất kích thích.

    Luật sư Diệp Năng Bình (trưởng VPLS Tinh Thông Luật) cho rằng, nên tăng gấp đôi các khung xử phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Theo đó, các tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ gây nguy hiểm tới người dân tham gia giao thông. Những người vi phạm nồng độ cồn không con đủ tỉnh táo để nhận thức và xử lý tình huống khi lái xe và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

    Đồng tình với ý kiến của luật sư Bình, chị Hà (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng mức xử phạt hiện tại vẫn quá nhẹ với những vi phạm liên quan đến bia rượu: “Trong năm qua, nhiều vụ tai nạn liên quan đến vi phạm nồng độ cồn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người sau những buổi liên hoan, buổi tiệc đã uống rất nhiều rượu bia nhưng vẫn lái xe gây tai nạn giao thông, hậu quả khiến nhiều người vô tội phải gánh chịu. Tôi thấy xót xa với những trường hợp gây tai nạn chết người do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra”.

    ha noi csgt hoa trang ghi hinh xe du ben coc bat khach nhung ngay giap tet nguyen dan 2023 6
    Vi phạm nồng độ cồn vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm trên cả nước

    Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất tăng hình phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhiều người lại cho rằng mức xử phạt hiện tại là phù hợp với nền kinh tế của nước ta. Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) nói:

    “Theo tôi, về mức phạt hiện tại, trong sự tương quan với điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam là đã tương đối mạnh tay và đảm bảo tính ngăn ngừa, tính trừng phạt đối với các hành vi vi phạm. Trên thực tế từ khi có quy định nghiêm khắc về xử phạt nồng độ cồn đến nay, hiệu quả ngăn ngừa các vụ việc uống rượu bia tham gia giao thông đã đạt nhiều kết quả và đó là cơ sở để các quy định tiếp tục được thực hiện trên thực tế.

    Theo tôi, thay vì tăng mức phạt, cần có sự điều chỉnh để phân hóa các mức độ xử lý tương ứng với mức nồng độ cồn trong máu, cần cụ thể hóa và phân loại từng mức nồng độ cồn đến mức nào thì xử phạt, đến mức nào thì mức phạt được điều chỉnh tương ứng cao hoặc thấp để cụ thể hóa chế tài thì người bị phạt sẽ chấp nhận một cách thuyết phục hơn”, luật sư Cao chia sẻ.

    Nói thêm về vấn đề này, luật sư Cao cho biết để một quy định đi vào cuộc sống, ngoài việc chế tài mạnh có tác dụng ngăn ngữa, răn đe thì cũng phải tương thích với điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng áp dụng trên thực tế và nhiều vấn đề liên quan.

    Giải pháp đưa ra

    Theo luật sư Cao, lực lượng chức năng cần kiện toàn công tác xử lý, kiểm tra đối với việc sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác và các hành vi vi phạm giao thông khác cũng cần được hệ thống chuyên nghiệp, đồng bộ để việc xử lý vi phạm minh bạch, công bằng thì hiệu quả xử lý vi phạm giao thông cũng đạt kết quả cao hơn.

    Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện và đồng bộ các quy định pháp luật, hoàn thiện hơn nhiều giải pháp về hạ tầng giao thông, về phương pháp xử lý vi phạm giao thông. Lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần không xin xỏ, không can thiệp.

    Cuối cùng, đối với nhà hàng, quán nhậu, bên cạnh việc kinh doanh thu lợi nhuận cần có trách nhiệm với khách hàng, nên vận động, nhắc nhở khách hàng không được phép điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia.

    Văn Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-ve-de-xuat-xu-ly-nang-hon-voi-tai-xe-vi-pham-nong-do-con-a565403.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vi phạm nồng độ cồn, “ma men” tông nứt hộp sọ CSGT

    Vi phạm nồng độ cồn, “ma men” tông nứt hộp sọ CSGT

    Khi được CSGT ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn, tài xế Kiều Văn Tâm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và tăng ga điều khiển xe đâm thẳng vào Thiếu tá Quách Văn Trường khiến đồng chí Trường bị hất văng, ngã xuống lòng đường.