+Aa-
    Zalo

    Tưởng được giúp đỡ, mẹ đơn thân sa bẫy mất tiền oan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lợi dụng người dùng mạng xã hội không cảnh giác, nhiều nick face- book “ảo” được lập ra để tiếp cận, dụ tặng các món quà giá trị.

    Lợi dụng người dùng mạng xã hội không cảnh giác, nhiều nick face- book “ảo” được lập ra để tiếp cận, dụ tặng các món quà giá trị, cũng chính từ đây không ít người dùng đã rơi vào bẫy mất tiền oan.

    Mẹ đơn thân khóc ròng

    Chị N.T.L (Hà Nội) tham gia hội nhóm “Bạn muốn hẹn hò” trên facebook, cũng chính từ đây chị quen biết với một người có nickname người nước ngoài là Sajjid Chohan.

    Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, chị L. tự trách mình đã không cảnh giác và vì đang cô đơn, nuôi con nhỏ một mình nên thấy có người muốn giúp và muốn chăm sóc cho con mình nên chị rất sẵn lòng.

    “Cách đây hơn nửa tháng, nickname trên kia có gửi lời mời kết bạn với tôi, nhắn tin làm quen. Tôi thì đang cô đơn, có người làm bạn thêm vui, nên cũng vui lòng nhắn tin, chia sẻ. Nickname nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất giỏi. Anh ấy nói mình sang đây lâu và đã học tiếng Việt, còn người nước nào tôi cũng không mảy may quan tâm”, chị L. nhớ lại.

    Chị L. bảo những ngày sau đó, chị và nickname kia liên tục nhắn tin qua lại, người này tỏ vẻ rất quan tâm đến mẹ con chị. Thậm chí, dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhắn tin ngỏ ý muốn được ở bên, chăm sóc mẹ con chị.

    “Người này nói có công ty riêng ở nước ngoài, đủ điều kiện để chăm sóc cho mẹ con tôi. Đến ngày thứ 15 nói chuyện thì anh ta đề nghị muốn gửi tiền để chăm sóc con. Vì tôi quá hy vọng và tham lam rằng mình đã cực khổ rồi, cho nên ông trời mới cho mình một cơ hội như thế để có cuộc sống đầy đủ tôi đồng ý”, chị L. chia sẻ về việc mình bị lừa. Đang khó khăn, bỗng dưng có người đến nói gửi tiền hỗ trợ, chị L. không nghi ngờ và đồng ý tiếp nhận.

    Không ít người dùng đã rơi vào bẫy mất tiền oan. Ảnh minh họa

    Chị L. nói tiếp: “Để nhận được món quà mà người lạ mặt này gửi thì người này yêu cầu tôi phải gửi 12 triệu đồng để có thể nhận được số tiền lớn, trong khi đó tôi chỉ có 4 triệu đồng. Tôi đã bán điện thoại, cầm cố chứng minh nhân dân và vay mượn gia đình, bạn bè được 12 triệu đồng và chuyển cho nickname kia. Nhưng, sau khi chuyển xong quà đâu không thấy mà facebook kia cũng chặn tôi luôn”. Mất tiền chỉ vì sự nhẹ dạ cả tin, chị L. đã tự trách mình và rất suy sụp: “12 triệu đồng với mọi người có lẽ không phải quá lớn, nhưng với một người mẹ đơn thân như tôi quả thật là cả một khối tài sản. Tôi ân hận nhưng đã muộn rồi”.

    Không chỉ có chị L. mà có nhiều người khác cũng chia sẻ với PV về việc có những nickname facebook lạ gửi lời mời kết bạn, nhưng họ tỉnh táo hơn, khi nhận được yêu cầu tương tự chuyển trước 12 triệu đồng thì đã huỷ kết bạn luôn nên may mắn không bị rơi vào bẫy lừa.

    Chị Xuân (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng từng nhận được rất nhiều tin nhắn từ người lạ trên mạng, họ nói muốn chuyển 1 tỷ nhờ tôi mua nhà hộ. Nhưng, tôi đã từ chối ngay từ đầu”.

    Đừng vội tin một cách mù quáng

    Trước thực trạng có nhiều pha lừa đảo từ các hội nhóm kết bạn, hẹn hò bốn phương xuất hiện trên mạng xã hội, PV tạp chí ĐS&PL đã lắng nghe những phân tích từ TS tâm lý Nguyễn Thị Minh - Giảng viên khoa Tâm lý (học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM). Theo TS. Minh, nhu cầu kết bạn bốn phương là nhu cầu tồn tại từ lâu, là cơ hội để mọi người giao lưu, gắn kết với nhau. Tuy nhiên, để phòng tránh những hiện tượng lừa đảo như hiện nay có một số biện pháp cơ bản.

    “Bản thân người tham gia, để tránh bị lừa thì phải nhận thức rất rõ về những nguy cơ sẽ bị lừa khi tham gia hội nhóm, đồng thời phải có kiến thức về phòng tránh lừa đảo, phải có tri thức để đánh giá nhận diện con người. Khi làm quen với một người trên mạng xã hội, bạn phải có thông tin để kiểm chứng, có các thông tin nền như địa chỉ, nhà ở, bố mẹ... đòi hỏi cần có phương pháp để sàng lọc, xác minh thông tin”, TS Minh cho hay.

    Khi tham gia vào các hội nhóm, theo TS. Minh cần phải vào các trang web uy tín, có tính chính thống như sân chơi của các báo đài... “Người trong cuộc phải có trực giác nhạy cảm, dẫu biết rằng khi yêu thì sẽ tin tưởng tuyệt đối, nhưng, không nên tin một cách mù quáng. Nếu thấy nghi ngờ người này có thể lừa mình, lợi dụng mình thì phải tham khảo từ bạn bè, người thân để đưa ra nhận định chính xác nhất”, TS. Minh cảnh báo.

    Theo TS. Minh, sử dụng mạng xã hội cần phải tỉnh táo, hạn chế công khai tất tần tật thông tin cá nhân trên mạng dễ khiến bị điều khiển, lừa đảo. Bà nói: “Về mặt quản lý, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm xác minh tính chính thống của các trang web, hội nhóm xem có cho phép hoạt động hay không. Đồng thời, các cơ quan đoàn thể nên có những buổi tập huấn để nhận diện lừa đảo, yêu đương để có thể biết được tình yêu đích thực là như thế nào. Khi đã tìm được những người lừa đảo thì phải phạt thật nặng để không ai dám làm những hành vi đó nữa”.

    Thanh Lam
    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 92
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-duoc-giup-do-me-don-than-sa-bay-mat-tien-oan-a326987.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan