+Aa-
    Zalo

    Vì sao giá dầu tăng nóng nhưng giá xăng giảm mạnh?

    (ĐS&PL) - Giá dầu thô thế giới những ngày gần đây nóng lên theo xung đột Israel – Hamas, tuy nhiên, giá xăng trong nước vừa có phiên bất ngờ giảm mạnh.

    Theo báo Dân trí, chiều 11/10, liên Bộ Tài Chính – Công Thương điều hành giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.595 đồng/lít, xuống 21.910 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 1.798 đồng/lít, còn 23.040 đồng/lít. Đáng chú ý, đây là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của mặt hàng xăng.

    vi sao gia dau tang nong nhung gia xang giam manh
    Giá xăng trong nước vừa có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

    Giải thích về việc giá xăng giảm sâu, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 2/10 - 10/10) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra; việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Arab Saudi…

    "Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm", cơ quan điều hành đánh giá.

    Lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh trong tuần trước.

    Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành là 92,04 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 9,4 USD/thùng, tương đương giảm 9,3% so với kỳ trước); 97,02 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 9,8 USD/thùng, tương đương giảm 9,2%).

    Những ngày gần đây, giá mặt hàng nhiên liệu mới bật tăng trở lại trước lo ngại xung đột Israel - Hamas leo thang, tuy nhiên, mức tăng không đủ để kéo lại khoảng giảm.

    Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời TS Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam (VN) cho rằng, tuy Israel không phải là một nhà sản xuất dầu lớn nhưng vị trí địa chính trị và khả năng leo thang của xung đột đã khiến nước này trở thành tâm điểm của sự quan tâm trên thị trường dầu mỏ.

    Đặc biệt, Trung Đông với vai trò là một trong những nguồn cung dầu lớn nhất thế giới, luôn là tâm điểm của sự biến động khi có xung đột. Các nhà giao dịch thường có xu hướng “mua trước, hỏi sau” khi có dấu hiệu bất ổn do dự báo nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trong mấy ngày gần đây.

    Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn. Sự gia tăng của giá dầu mấy ngày qua chủ yếu phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột lan rộng ra khu vực Trung Đông - nơi nắm giữ khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ trên thế giới có thể làm thay đổi cục diện các mối quan hệ chính trị thì giá dầu có thể sẽ tăng mạnh.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-gia-dau-tang-nong-nhung-gia-xang-giam-manh-a594881.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan