+Aa-
    Zalo

    Vì sao người dân không được tự ý dùng bia giải rượu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người bất ngờ trước thông tin bác sĩ dùng gần 5 lít bia truyền để cứu sống nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

    Nhiều người bất ngờ trước thông tin bác sĩ dùng gần 5 lít bia truyền để cứu sống nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Tuy nhiên, theo hướng dẫn xử trí ngộ độc của Bộ Y tế cho phép dùng rượu bia có ethanol để giải độc cho người ngộ độc rượu. Đặc biệt, người dân không được tự ý áp dụng mà phải do bác sĩ quyết định, thực hiện.

    Ngộ độc rượu ethanol và methanol khác nhau thế nào?

    Sự việc các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia khi cấp cứu một nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu khiến nhiều người bất ngờ. Trước thông tin này, nhiều người cho rằng khi bị ngộ độc rượu cứ "truyền" bia là cứu được, thậm chí còn khẳng định "bia tốt hơn rượu", hay "vừa uống rượu vừa uống bia không lo bị ngộ độc".

    Về phương pháp điều trị này, TS.BS Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) lưu ý nếu nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol thì tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn.

    Vì vậy, việc xác định người bệnh bị ngộ độc ethanol hay methanol cần phải được thực hiện ở các cơ sở y tế. Bởi ngộ độc hai chất này có nhiều điểm khác biệt trong cách nhận biết và xử trí.

    Bệnh nhân được điều trị ngộ độc methanol.

    Trong Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc năm 2015, Bộ Y tế nêu rõ ngộ độc ethanol và methanol là hai dạng ngộ độc có cách chẩn đoán và điều trị không giống nhau.

    Ethanol là chất có trong bia, rượu thực phẩm thường bán trên thị trường. Nếu ngộ độc nhẹ, ethanol sẽ được đào thải nhanh qua đường hô hấp. Nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có biểu vật vã kích thích, nôn nhiều, thậm chí co giật... phải vào viện cấp cứu.

    Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: Làm sơn, dung môi,... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, phần lớn chuyển hóa qua gan nhưng chậm.

    Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành axit formic, thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.

    Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol, việc chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn. Bệnh nhân và bác sĩ có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

    Các biện pháp điều trị cơ bản như: Nếu bệnh nhân hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm dãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đặt canuyn miệng, hút đờm dãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ).

    Điều trị ngộ độc ethanol và methanol có nhiều điểm khác biệt

    Điều trị ngộ độc ethanol theo nguyên tắc là ổn định bệnh nhân, điều trị các triệu chứng, biến chứng. Ví dụ mức độ nhẹ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi yên tĩnh, truyền dịch, truyền glucose và vitamin nhóm B.

    Với trường hợp nặng, hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm dãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đặt canuyn miệng, hút đờm dãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ). Người bệnh tụt huyết áp cần truyền dịch, thuốc vận mạch nếu cần,...

    Tẩy độc, tăng thải trừ chất độc cho bệnh nhân ngộ độc ethanol bằng cách đặt sonde dạ dày và hút dịch nếu bệnh nhân đến trong vòng 1 giờ và bệnh nhân nôn ít.

    Điều trị ngộ độc methanol có phác đồ phức tạp hơn. Để điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu methanol phải áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để tẩy độc và tăng thải trừ chất độc, trong đó có đặt sonde dạ dày, lọc máu... Trong đó, bác sĩ có thể dùng ethanol để ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

    Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, rẻ tiền nhưng có thể có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải.

    Bộ Y tế hướng dẫn, nếu dùng ethanol đường uống (hoặc truyền vào dạ dày) để điều trị cho bệnh nhân cần lựa chọn loại rượu uống đảm bảo an toàn và có ghi rõ % độ cồn và pha theo tỉ lệ hướng dẫn thành rượu có nồng độ cồn 20%.

    Liều dùng được chỉ định trên bệnh nhân, nếu uống có thể pha thêm đường hoặc nửa quả, hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày và tiếp tục dùng liều duy trì với liều lượng cụ thể cho người không nghiện rượu, người nghiện rượu theo hướng dẫn cụ thể.

    Trong giai đoạn lọc máu, việc sử dụng bia, rượu (có ethanol) với liều lượng như thế nào cũng được bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

    Việc dùng ethanol để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol sẽ ngừng khi khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu <10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa và biểu hiện lâm sàng được cải thiện.

    Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thực chất, việc truyền bia để giải độc rượu có thể xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên khuyến cáo: Chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

    Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 10-1 cho biết theo quy định số 3610/QĐ- BYT do Bộ trưởng bộ Y tế ban hành thuốc giải độc đặc hiệu ethanol và fomepi- zole (4-methylpyrazole) có tác dụng ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục được chuyển hóa và gây độc.

    Trong khi đó, tại tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc (ban hành kèm theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT của Bộ trưởng bộ Y tế, ethanol nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

    Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách dùng ethanol đường uống bằng cách, dùng loại rượu uống, sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%), pha loãng thành rượu có nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 g ethanol). Sau đó, có thể cho người ngộ độc ethanol uống hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày.

    Phương Anh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 3

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nguoi-dan-khong-duoc-tu-y-dung-bia-giai-ruou-a259060.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan