+Aa-
    Zalo

    Vì sao phải chỉ định luật sư bào chữa trong phiên xử vắng mặt “bà trùm” AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

    • DSPL
    ĐS&PL “Bà trùm” AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Trong trường hợp bị can hoặc người thân của họ không nhờ người khác bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử người bào chữa.

    Dự kiến ngày 21/12 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

    Phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Mai Văn Quang ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

    vi sao phai chi dinh luat su bao chua trong phien xu vang mat ba trum aic nguyen thi thanh nhan
    Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm.

    Tám bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đều được Tòa án chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những bị cáo này tại phiên tòa.

    VKSND Tối cao cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. CQĐT đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quyết định truy nã quốc tế nhưng chưa có kết quả.

    Đồng thời, CQĐT cũng đã phát thư kêu gọi bà Nhàn ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.

    Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Giám đốc Công ty Luật Thuận Thiên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Pháp luật về tố tụng hình sự quy định, trong quá trình điều tra vụ án hình sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can.

    vi sao phai chi dinh luat su bao chua trong phien xu vang mat ba trum aic nguyen thi thanh nhan
    Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Giám đốc Công ty Luật Thuận Thiên.

    Tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: "Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra".

    Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc xét xử vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã. Cụ thể, khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: “a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử".

    “Như vậy, Tòa án có thể xét xử đối với bị cáo trong trường hợp bị cáo đang bị truy nã”, Luật sư Tiệp cho biết.

    Vậy quyền bào chữa của bị cáo đang bị truy nã được thực hiện như thế nào? Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Quyền bào chữa là một quyền quan trọng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự, là phương tiện pháp lý để chủ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

    Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã thì gần như không thực hiện được các quyền mà pháp luật đã ghi nhận trong đó có quyền tự bào chữa. Song với chính sách khoan hồng, nhân đạo, pháp luật hiện hành còn quy định về trường hợp "cử người bào chữa" cho bị can, bị cáo trong một số trường hợp đặc biệt như bị can bị cáo là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất tinh thần, người bị xét xử ở khung hình phạt có hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

    Với những trường hợp này, pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa. Nếu bị can, bị cáo hoặc người thân của họ không nhờ người khác bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử người bào chữa và nhà nước sẽ chi trả thù lao và chi phí cho những người bào chữa này theo quy định.

    “Trong vụ việc liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, theo nội dung cáo trạng, nhiều bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, các bị cáo này đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tại phiên tòa. Nếu họ không nhờ người khác bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa và có trách nhiệm phải chi trả, thanh toán thù lao và chi phí cho họ”, Luật sư Vinh cho hay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-phai-chi-dinh-luat-su-bao-chua-trong-phien-xu-vang-mat-ba-trum-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-a558813.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Truy tố Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

    Truy tố Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

    Bà Nhàn bị cơ quan truy tố cáo buộc đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 14,5 tỉ đồng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái 14,5 tỉ đồng và cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai 14,8 tỉ đồng.