+Aa-
    Zalo

    Vì sao thời gian giải cứu bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp bị kéo dài?

    ĐS&PL Trong quá trình thực hiện giải cứu bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông sâu 35m, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

    Em Thái Lý Hạo Nam rơi vào cọc bêtông dài 35 m, rộng 25 cm, chôn sâu dưới lòng đất trưa 31/12/2022, khi cùng 3 bạn nhặt phế liệu ở dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, cách nhà gần một km.

    VietnamNet cập nhật, để đẩy nhanh tiến độ cứu nạn bé trai, suốt đêm 3/1 đến sáng nay (4/1) lực lượng tại hiện trường khẩn trương dùng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất kết hợp khoan guồng xoắn.

    Dự kiến, sáng nay sẽ dùng thiết bị chuyên dụng kéo ống cọc bê tông lên theo hướng thẳng đứng, sau đó tiến hành cưa, cắt từng đoạn.

    Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết trên Dân Trí, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, do thiết bị, máy móc chuyển từ nơi khác đến; phần đất sâu sét, cứng… dẫn đến thời gian giải cứu bé trai bị kéo dài.

    Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cũng đánh giá yếu tố cản trở là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, về thiết bị điều động từ nơi xa đến nên mọi thứ không chủ động được.

    vi sao thoi gian giai cuu be trai 10 tuoi o dong thap bi keo dai

    Lực lượng cứu hộ đưa máy móc vào khu vực cọc bêtông, chiều 3/1. (Ảnh: VnExpress)

    Con đường chính dẫn vào nơi xảy ra vụ việc toàn đất đá nham nhở, độ rộng mặt đường hẹp và bên bồi bên lở có nguy cơ sụt lún nếu phương tiện trọng tải nặng đi qua, khiến xe chuyên dụng không thể tiếp cận.

    Vì thế, các thiết bị chuyên dụng được vận chuyển thay thế bằng nhân lực khiêng vác, xe máy, ghe ven mương. Thêm vào đó, tại tuyến đường thủy vào hiện trường là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn.

    Lực lượng chức năng phải phát quang cỏ cây hai bên mới có không gian cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện. Do đó, công đoạn di chuyển bị kéo dài thời gian.

    Chia sẻ khó khăn với lực lượng cứu hộ, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bêtông nói trên VnExpress, việc kéo trụ bêtông lên khó gấp nhiều lần so với khi đóng xuống.

    Ví dụ khi đóng, nhà thầu chỉ cần lực 50 tấn, khi nhổ lên cần lực tác động gấp 4-5 lần. Chưa kể cọc bêtông đã đóng ít khi phải kéo lên nên chưa có đơn vị nào kể cả trên thế giới sản xuất thiết bị chuyên dụng rút cọc lên. Trường hợp phải rút lên, nhà thầu cần kéo thẳng tâm để cọc không gãy, đứt mối hàn.

    Bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình dự án cầu kênh Rọc Sen thuộc ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

    Tại đây, Nam bất ngờ lọt trong một trụ bê tông có đường kính khoảng 25cm, được khoan cắm sâu xuống lòng đất.

    Khoảng 30 phút sau lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường nhưng lúc này không còn nghe tiếng Nam kêu cứu.

    Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án, như bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân; dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc... nhưng sau 5 ngày chưa có kết quả.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-thoi-gian-giai-cuu-be-trai-10-tuoi-o-dong-thap-bi-keo-dai-a562408.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan