+Aa-
    Zalo

    Vốn nhà nước bị “sa lầy” ở dự án xi măng Đại Việt, CFC, trách nhiệm thuộc về ai?

    ĐS&PL Nhiều câu hỏi về trách nhiệm khi vốn nhà nước tại dự án xi măng Đại Việt, CFC kinh doanh không hiệu quả, ai phải chịu trách nhiệm?

    Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII khai mạc ngày 3/10, vấn đề về công tác cán bộ cũng được tiếp tục đề cập. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

    Công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các bộ, ngành, địa phương luôn được Đảng quan tâm sát sao. Đặc biệt thời gian qua, không ít cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi được bổ nhiệm đã bị phát hiện ra các sai phạm trong quá trình công tác trước đó. Các trường hợp này khi có sai phạm được phát hiện, làm rõ đều chịu sự xử lý nghiêm minh thể hiện đúng như tinh thần chỉ đạo phòng chống tham nhũng không có vùng cấm của Đảng.

    Cũng trong thời gian qua, báo chí có phản ánh không ít lùm xùm về trường hợp của ông Bùi Hồng Minh – hiện đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhưng đến nay cán bộ, nhân viên của ngành vẫn chưa được biết và cũng không tìm thấy thông tin hay kết luận công khai về các vấn đề đã được nêu. Chính vì thế, họ tiếp tục phản ánh đến cơ quan báo chí.

    von nha nuoc bi sa lay o du an xi mang dai viet cfc trach nhiem thuoc ve ai dspl 1
    Dự án Xi măng Đại Việt từng bị người dân dựng lều bạt phản đối vì hoạt động thải ra khói bụi. Ảnh tư liệu: Báo Kinh tế Đô thị

    Nhiều bạn đọc mong muốn Tạp chí chuyển tải ý kiến đến các cơ quan chức năng làm rõ liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (do VICEM nắm giữ 73,15% vốn điều lệ); nguyên Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM); hiện nay đang là Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

    Theo tài liệu phóng viên có được, đã có những dấu hiệu cho thấy Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn mua cổ phần của Công ty cổ phần xi măng Miền Trung (có dự án nhà máy xi măng Đại Việt) không sát với giá thị trường, nguy cơ gây mất vốn nhà nước.

    Trong thời kỳ đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC), ông Bùi Hồng Minh đã có dấu hiệu làm trái với chỉ đạo của Tổng công ty xi măng Việt Nam trong việc mua cổ phần Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC, có dự án nhà máy xi măng Đại Việt) có nguy cơ làm mất số vốn lớn của nhà nước.

    Cụ thể, tại văn bản số 157/XMVN-HĐTV đề ngày 29/01/2013 của Hội đồng thành viên VICEM về việc thỏa thuận và ủy quyền mua cổ phần của Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung, Hội đồng thành viên VICEM đã “uỷ quyền cho Tổng Giám đốc VICEM và Người đại diện phần vốn của VICEM tại Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn căn cứ các điều kiện thực tế để chỉ đạo Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn trong quá trình đàm phán, thương thảo với đối tác; Quyết định số lượng mua, giá mua và các điều kiện kèm theo của việc mua cổ phần của CRC, đảm bảo sát giá thị trường, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư và đúng các quy định của pháp luật”.

    Tuy nhiên, giá mua cổ phần của CRC được tiến hành với giá 11.560 đồng/01 cổ phần. Giá này đặt nhiều băn khoăn là có thực sự đảm bảo sát giá thị trường?.

    Cụ thể, tại thời điểm mua, giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của ngành xi măng nói chung và của BCC nói riêng là thấp. Đặc biệt, Xi măng Bỉm Sơn là sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng cả nước rất tín nhiệm tin dùng, hoạt động kinh doanh có lãi…nhưng trong giai đoạn ông Bùi Hồng Minh chỉ đạo khảo sát, đánh giá cho đến khi thương thảo ký hợp đồng mua cổ phần của CRC (từ 01/07/2012 đến khi ký hợp đồng ngày 6/4/2013) giá trị giao dịch cổ phiếu của BCC giao động từ 3.800 đến 6.600 đồng/01 cổ phần, thấp hơn rất nhiều giá mua thực tế CRC.

    Mặt khác tại Biên bản thương thảo mua cổ phần của CRC giữa BCC và CRC do ông Bùi Hồng Minh ký ngày 15/01/2013 đã đánh giá “…thương hiệu xi măng Miền Trung mới ra đời chưa có uy tín trên thị trường, trong thời gian những năm tới đây Công ty CP xi măng Miền Trung sẽ rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm…” nhưng không hiểu tại sao ông Bùi Hồng Minh vẫn thực hiện mua 9.953.280 cổ phần (tương ứng 76,8% vốn điều lệ của CRC) với giá 11.560 đồng/01 cổ phần tương đương với tổng số tiền bỏ ra mua là 115.059.916.800 đồng.

    Câu hỏi đặt ra là, căn cứ nào để ông Bùi Hồng Minh – khi đó với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) mua mỗi cổ phần của CRC với giá 11.560 đồng? Mức giá này có cao bất thường? Giá này có thực sự sát với giá thị trường?

    Đáng nói là hoạt động của CRC từ khi BCC mua đến nay không mang lại hiệu quả. Theo báo cáo tài chính của CRC đến ngày 30/6/2022, hoạt động kinh doanh của CRC lỗ lũy kế là 242,1 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 112,5 tỷ đồng.

    Như vậy, nếu căn cứ theo tỷ lệ phần vốn nắm giữ (nhà nước nắm giữ 100% vốn của VICEM; VICEM nắm giữ 73,15% vốn của BCC; BCC nắm giữ 76,80% vốn của CRC) đã có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả 115 tỷ đồng số vốn đầu tư nói trên của BCC (trong đó vốn nhà nước có nguy cơ mất vốn 64,6 tỷ đồng). Đồng thời do âm vốn chủ sở hữu 112,5 tỷ đồng nên nhà nước phải gánh phần lỗ của CRC là 63,2 tỷ đồng.

    Không những vậy, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin phản ánh về các vấn đề lùm xùm khi ông Bùi Hồng Minh còn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Xi măng (CFC).

    Theo đó, ông Bùi Hồng Minh đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy trình cho vay và có nguy cơ làm mất 120 tỷ đồng vốn của CFC (thực chất là vốn nhà nước) đã được dự luận phản ánh và Vicem đã có báo Bộ Xây dựng tại văn bản số 462/VICEM-HĐTV ngày 21/3/2022, văn bản số 535/VICEM HĐTV ngày 31/3/2022; Báo cáo Cục Phòng, Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 514/VICE-KTPC ngày 30/3/2022.

    Qua các dẫn chứng trên, nhiều ý kiến băn khoăn về năng lực của ông Bùi Hồng Minh và tại sao khi làm Tổng giám đốc ở các đơn vị trên đều có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, có nguy cơ làm mất vốn Nhà nước. Quá trình ông Bùi Hồng Minh được cất nhắc thăng tiến liên tục từ Tổng Giám đốc BCC lên Phó Tổng Giám đốc VICEM, rồi lên Tổng Giám đốc VICEM, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy VICEM; và hiện tại đang giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng các vấn đề này đã được xem xét chưa và có kết luận ra sao, rất cần công khai để tránh các dấu hỏi về công tác cán bộ.

    Trước những thông tin, tài liệu trên rất cần Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan xác minh làm rõ trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh đến đâu? Dư luận mong cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước vào cuộc sớm để công tác cán bộ tại Bộ Xây dựng minh bạch, đem lại niềm tin của Nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

    Theo Giáo dục Việt Nam

    Link nguồn: https://giaoduc.net.vn/von-nha-nuoc-bi-sa-lay-o-du-an-xi-mang-dai-viet-cfc-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post230098.gd

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/von-nha-nuoc-bi-sa-lay-o-du-an-xi-mang-dai-viet-cfc-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a553081.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chính sách nào cho các dự án Dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực?

    Chính sách nào cho các dự án Dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực?

    Để rõ ràng, đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt và các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt đối với các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, vẫn còn một số vấn đề/nội dung cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn trong Dự thảo Luật.