+Aa-
    Zalo

    Xuất khẩu đình trệ vì thiếu container rỗng, bộ Công Thương nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo bộ Công Thương, tình trạng thiếu vỏ rỗng container là vấn đề tác động mạnh đến việc xuất nhập khẩu. Nguyên nhân sốt giá một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

    Theo bộ Công Thương, tình trạng thiếu vỏ rỗng container là vấn đề tác động mạnh đến việc xuất nhập khẩu. Nguyên nhân sốt giá một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

    Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nông sản trong nước lâm vào tình cảnh thiếu container.

    Thiếu container rỗng có thể kéo dài đến tháng 3/2021

    Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nông sản trong nước lâm vào tình cảnh thiếu, phải trả cước container gấp 3 - 4 lần so với bình thường, trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu (bộ Công Thương) - cho biết, Cục đã nhận được phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp về tình trạng thiếu vỏ cũng như việc các hãng tàu tăng giá cước chưa từng có.

    Theo ông Hải, việc giá cước container với những chuyến đi Bắc Âu lên đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Nguyên nhân gây sốt giá cũng do dịch Covid-19. Trong đó, các nước tập trung mua hàng từ các nước Đông Á gây nên tình trạng các luồng hàng đi từ Đông Á thì nhiều nhưng nguồn về ít hơn. Việc container rỗng tồn đọng ở các nước đi kèm tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội mà không đưa được vỏ con- tainer.

    “Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với cục Hàng hải báo cáo lãnh đạo bộ Công Thương, bộ GTVT và báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tác động mạnh đến xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động kinh doanh, thu lợi tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

    Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển”, ông Hải nói. Trong báo cáo gửi Thủ tướng của bộ Công Thương mới đây cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về tình trạng phải chậm giao hàng 7 -20 ngày. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ngoài khoản cước phí phải trả cao gấp đôi những tháng bình thường, còn phải trả các khoản phí trong mùa cao điểm, có hãng tàu thu đến 1.000 USD/container.

    Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu điều và chè không thể đưa hàng sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp 6 - 7 lần, từ 750 - 800 USD/con- tainer lên đến hơn 4.000 - 5.000 USD/container. Nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021.

    Cục Hàng hải Việt Nam (bộ Giao thông Vận tải) cũng cho biết, từ tháng 11/2020, hầu hết hãng tàu thông báo tăng giá cước 2 - 10 lần tùy chặng. Trong đó, cước thuê container đi Anh tháng 10 là 1.420 USD/container 20 feet, đến tháng 11 tăng lên 5.420 USD/container 20 feet. Con số này tiếp tục tăng đạt mức 7.200 USD vào tháng Mười Hai.

    Tương tự, cước thuê container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng Mười là 60 USD/container thì đến tháng Mười Một đã tăng lên 600 USD/container. Trong khi đó, cước thuê container từ Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ) trước tháng Mười chỉ khoảng 700 - 1.000 USD/container, đến tháng Mười Một đã tăng lên 5.000 USD/container.

    Thời điểm cuối năm các ngành nông, thủy sản đang vào mùa giao cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng Mười Một đến tháng Ba năm sau nên lượng xuất khẩu hàng rất lớn. Bộ Công Thương dự báo, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container có thể kéo dài đến tháng 2- 3/2021, thậm chí lâu hơn nếu dịch Covid- 19 chưa được kiểm soát trên thế giới.

    Cần kiểm soát tình trạng cung - cầu container

    Theo kết quả khảo sát của hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tính đến tháng 10/2020, có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về dịch vụ thuê container rỗng để đóng hàng. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp cho biết bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu. Nguyên nhân chính của việc khan hiếm container rỗng, theo VLA, là do hãng tàu chưa có sự quản lý tốt về số lượng, vị trí và chất lượng container rỗng.

    Tuy nhiên, theo bộ Công Thương, việc tăng cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng phương thức bán hàng FOB. Tuy nhiên, hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu khiến chi phí lưu kho bãi bị đội lên ước tính từ 5 - 10% giá trị lô hàng.

    Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu CIF, việc phải trả thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD/container làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến, các khoản chi này không được dự tính trước và mức tăng quá cao sẽ làm doanh nghiệp thiệt hại, thua lỗ. Việc tăng giá cước thuê tàu cũng gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng, do phía doanh nghiệp Việt Nam phải chịu.

    Trước tình trạng nói trên, hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tình trạng này rất có thể sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực tăng trưởng của ngành. “Nhiều khả năng kim ngạch không đạt được như đã đề ra (8,6 tỷ USD) do tháng 11 và 12, giá trị xuất khẩu sụt giảm vì nhiều đơn hàng bị lui/hoãn”, hiệp hội dự báo.

    Không chỉ VASEP, mà các ngành hàng khác cũng đang khuyến cáo doanh nghiệp có kịch bản ứng phó kịp thời để giảm thiệt hại.

    Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng tàu minh bạch giá cước và phụ giá gửi về Cục. Đồng thời, hãng tàu phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại để trục lợi, chào giá bất hợp lý, gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

    Ngoài ra, Cục còn nghị các hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.

    Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (1)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuat-khau-dinh-tre-vi-thieu-container-rong-bo-cong-thuong-noi-gi-a352212.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan