+Aa-
    Zalo

    [E] Vai trò của chuyển đổi số trong việc gia tăng giá trị thương hiệu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp khi giúp kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.

    Bạch Hiền

    Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp khi giúp kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.

    Dịch COVID-19 bùng nổ và kéo dài làm nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động của không ít doanh nghiệp cũng vì thế mà ngưng trệ. Trong bối cảnh này, vai trò của chuyển đổi số ngày càng rõ nét khi tất cả hoạt động doanh nghiệp đều triển khai trên nền tảng trực tuyến.

    Chuyển đổi số được hiểu đơn giản là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động của doanh nghiệp từ phương thức truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud)... nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy doanh thu và giá trị thương hiệu.

    Hiện nay, chuyển đổi số được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đối tượng trong đó chủ yếu là các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

    Đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số giúp xây dựng nên những cơ sở dữ liệu từ giá trị thực (biến đổi giá trị nghe, nhìn, cảm nhận được từ thế giới thực) sang dạng số (dạng điện toán được lưu trữ trên máy tính), thuận lợi cho việc quản lý, khai thác sử dụng.

    Dữ liệu số hóa đã trở thành tài sản của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Dữ liệu ngành càng được bổ sung, liên kết, tích hợp với nhau đã giảm được nhiều kinh phí xây dựng dữ liệu đơn lẻ, không đồng bộ như trước đây.

    Dễ dàng nhận thấy, chuyển đổi số trong thời điểm hiện tại là vô cùng quan trọng và nhận được sự quan tâm không nhỏ của Chính phủ.

    Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

    Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

    Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành liên quan và UBNDn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kế hoạch, hướng dẫn của Bộ TT&TT và điều kiện thực tế của từng Bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm tại Bộ, ngành, địa phương.

    Các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Ngày chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các chương trình giới thiệu và tuyên dương các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp điển hình đã đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ và mô hình mới,...

    Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào hoạt động kinh doanh và quản lý của mình. Trong đó, quá trình chuyển đổi số chuyển từ kinh doanh truyền thông sang ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, để tối ưu được các lợi ích mà công nghệ mang lại cho doanh nghiệp.

    Một lợi ích khác là cắt giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tạo sự minh bạch trong quá trình điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời và đảm bảo sự tăng trưởng ổn định trong tương lai. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.

    Tiếp xúc và làm việc với nhiều doanh nghiệp, chia sẻ về chuyển đổi số trong kinh doanh, Th.S Vương Xuân Nguyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và bảo vệ thương hiệu, cho biết: "Từ khóa Chuyển đổi số trong vòng 2 năm trở lại đây được quan tâm rất là lớn trên hầu hết các diễn đàn. Vấn đề này cũng không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà là xu hướng của thế giới. Khảo sát mới nhất của Microsoft cho thấy, tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, có tới 23 tập đoàn, doanh nghiệp lớn khẳng định chuyển đổi số chính là chìa khóa dẫn đến thành công và 98% doanh nghiệp mới khởi nghiệp xác định chuyển đổi số chính là "cứu cánh" để tiếp cận thị trường, giúp lan tỏa sức mạnh của mình".

    Cũng theo ThS Vương Xuân Nguyên, tại Việt Nam, chuyển đổi số đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ doanh thu từ thương mại điện tử năm 2021 khoảng 13,5 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng doanh thu từ các kênh truyền thống, tăng 16% so với năm 2020. Con số tăng trưởng trong năm 2022 được dự kiến là 25%.

    Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và bảo vệ thương hiệu cho rằng, chuyển đổi số là một bước phát triển tất yếu của hầu hết các doanh nghiệp bởi nó không chỉ đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức.

    "Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là hoạt động marketing bán hàng trên mạng xã hội, truyền đi những thông tin tốt cho sản phẩm của mình mà phải tích hợp các công nghệ như: AI (trí tuệ nhân tạo),.. để tận dụng toàn bộ những nền tảng của khách hàng, người tiêu dùng, tạo các tiện ích, tạo ra các xu thế cũng như những giá trị gia tăng cho thương hiệu doanh nghiệp cũng như chính người tiêu dùng", ThS Vương Xuân Nguyên cho biết.

    Dưới góc nhìn của một người kinh doanh, TS Đinh Thị Lệ Hà - Nhà sáng lập Cộng đồng thương mại điện tử toàn cầu (GEC) đã có những chia sẻ về ưu điểm vượt trội khi thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh so với kinh doanh truyền thống: "Sau một thời gian dài kinh doanh truyền thống, khi đại dịch COVID-19 ập đến, kéo theo sự khủng hoảng kinh tế và suy thoái, GEC đã thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình, tính đến nay đã được gần 3 năm.

    Chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích rất lớn. không bị hạn chế bởi không gian, thời gian và đặc biệt là việc mở rộng quy mô có sự đột phá rất rõ rệt. Kể từ khi chuyển đổi số, chỉ trong vòng 2 năm, doanh nghiệp của chúng tôi đã có sự tăng trưởng lên gấp 8 lần".

    Bà Hà cho biết thêm, nhờ chuyển đổi số cùng với mạng lưới tại hơn 10 quốc gia, GEC tận dụng nền tảng sản phẩm có sẵn của đối tác kết hợp với nền tảng Affiliate Marketing, Drop Shipping do đối tác cung cấp cùng nền tảng Internetnetwork Marketing để xây dựng cho mình một tệp khách hàng trung thành.

    "Việc của các thành viên GEC đó là kết hợp Internet với những nền tảng có sẵn đó, thực hiện các chiến lược marketing đến tay người tiêu dùng và người kinh doanh", TS Lệ Hà chia sẻ.

    Không thể phủ nhận, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa vận hành và quản lý doanh nghiệp, duy trì các hoạt động giao thương trên thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức ban lãnh đạo và nhân viên, sau đó là tới chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi chính sách kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực.

    Doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức triển khai ứng dụng số trong quản lý, chú ý quản trị rủi ro (chiến lược, pháp lý, hoạt động, công nghệ, tài chính đến nguy cơ gian lận) trong quá trình chuyển đổi số, triển khai ứng dụng công nghệ số hóa hướng tới phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

    "Rõ ràng, công nghệ nói chung hay chuyển đổi số nói riêng có cả 2 chiều, dẫn đến vấn đề minh bạch thông tin, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, muốn nâng cao giá trị thương hiệu, trước hết, doanh nghiệp phải đặt khách hàng làm trung tâm, tích hợp các công nghệ mang lại nhiều giá trị và tiện ích cho khách hàng chứ không phải chuyển đổi số là đơn thuần mang lại những lợi ích, doanh thu cho chính doanh nghiệp.

    Chuyển đổi số chính là kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị thương hiệu, phát triển bền vững trên cơ sở lựa chọn những công nghệ chuyển đổi số phù hợp với dân trí, văn hóa, kĩ năng của người dân, dựa vào 3 trụ cột là con người, quy trình và công nghệ", ông Nguyên chia sẻ.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-vai-tro-cua-chuyen-doi-so-trong-viec-gia-tang-gia-tri-thuong-hieu-a550775.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan