+Aa-
    Zalo

    Giải mã “hồ sơ” bí ẩn mang tên "HSTT" trong màn thao túng của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB

    (ĐS&PL) - Theo lời khai của cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, từ năm 2020, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tại trường dữ liệu ký hiệu đặc biệt mang tên “HSTT’’. Ký hiệu đó là viết tắt của “Hội sở tiếp thị” trên hệ thống Core Banking của ngân hàng SCB.

    Liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo thông tin từ kết luận điều tra mới ban hành, bà Trương Mỹ Lan (còn gọi Trương Muội) sở hữu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm hàng loạt doanh nghiệp như Tập đoàn VTP; Công ty Vạn Thịnh Phát; Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Công ty Tài chính Việt Vĩnh Phú; Tập đoàn An Đông...

    Người phụ nữ còn lập hàng loạt "công ty ma", để đứng tên khoản vay; chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; phát hành trái phiếu; đứng tên dự án… Với Ngân hàng SCB, nhà băng này được Trương Mỹ Lan thành lập trên cơ sở thâu tóm rồi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân để "lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động vốn" cho các doanh nghiệp nói trên.

    Cụ thể, từ năm 2011, bà Lan nhờ người đứng tên, thâu tóm đa số cổ phần của Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ Nhất. Năm sau, người phụ nữ cho hợp nhất cả 3 thành Ngân hàng Sài Gòn – SCB.

    Ban đầu, Trương Mỹ Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85% cổ phần tại SCB nhưng đến năm 2018, tỷ lệ nắm giữ tăng lên hơn 91%. Trong đó, bà Lan chỉ trực tiếp nắm 4,9% vốn điều lệ, còn lại vẫn nhờ người thân tín đứng tên.

    giai ma ho so bi an mang ten hstt trong man thao tung cua ba truong my lan tai ngan hang scb
    Bị can Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô hơn 304 nghìn tỷ đồng; vi phạm hoạt động ngân hàng gây thiệt hại hơn 498 nghìn tỷ đồng.

    Với việc nắm quyền chi phối SCB, bà Lan đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt như Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh lớn, Trưởng ban Kiểm soát… Những người này đều có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và làm việc theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Trợ giúp đắc lực cho bà Lan, họ được trả 1 mức lương “khủng” khi  từ 200 – 500 triệu đồng/tháng.

    Cơ quan điều tra cáo buộc bằng cách thâu tóm, điều hành hoạt động của SCB, Trương Mỹ Lan đã "sử dụng SCB với chức năng của một ngân hàng thương mại cổ phần như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác… Trong hoạt động cho vay, SCB chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan".

    Kết quả điều tra cho thấy, bà Lan chỉ đạo thân tín của mình tại SCB triển khai hoạt động rút tiền trong ngân hàng thông qua hình thức "cho vay khống", thậm chí còn rút tiền trước, lập hồ sơ vay vốn sau. Mỗi khoản cần rút, bà Lan và đồng phạm đều áp dụng cách làm khác nhau và giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát dựng "công ty ma", vẽ phương án đầu tư các dự án, giao cấp dưới tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp…

    Vì đều là các khoản vay khống, do vậy, khi không trả được nợ, bà Lan cùng các bị can tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn. Các hồ sơ cho vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn quy định của pháp luật. Thực chất, trong các hồ sơ vay vốn, các pháp nhân, cá nhân đều do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra; phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan.

    Các tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.

    Theo lời khai của ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, từ năm 2020, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tại trường dữ liệu ký hiệu đặc biệt “HSTT’’, viết tắt của “Hội sở tiếp thị” trên hệ thống Core Banking của ngân hàng SCB.

    Việc ký hiệu đặc biệt là để nhận diện khoản vay của Vạn Thịnh Phát và phục vụ yêu cầu theo dõi, thống kê, phê duyệt trái với quy trình cho vay thông thường.

    Cơ quan điều tra xác định, trong tổng số hơn 1.200 khoản vay của Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát tại SCB, có 684 khoản vay với tổng số nợ 382.876 tỷ đồng chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân. Bên cạnh đó, có 201 khoản vay không được phê duyệt của cấp có thẩm quyền trong ngân hàng.

    Hiện tại, hơn 1.200 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát có tổng nghĩa vụ hơn 677.286 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo chỉ có giá trị hơn 179.195 tỷ đồng. Như vậy, hành vi Trương Mỹ Lan cùng 53 cấp dưới và 7 đối tượng tại các công ty thẩm định giá đã gây thiệt hại cho SCB hơn 498.090 tỷ đồng (677 tỷ đồng tổng nợ trừ 179 tỷ đồng tài sản đảm bảo). Họ bị đề nghị truy tố về các tội "Vi phạm hoạt quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điều 206 và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360.

    XEM THÊM: Con số “gây choáng” trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan: Kê biên hơn 1.200 nhà đất, tạm giữ gần 1.300 sổ đỏ

    Năm 2018, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan hối lộ Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn hơn 5,2 triệu USD và được giúp "làm mờ sai phạm".

    Khánh Ngân 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-ho-so-bi-an-mang-ten-hstt-trong-man-thao-tung-cua-ba-truong-my-lan-tai-ngan-hang-scb-a600041.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan