+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 2-3 lần

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo báo cáo của CDC Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm 149 ca mắc sốt xuất huyết trong 7 ngày qua, tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước đó.

    Theo báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tuần qua (hết ngày 5/8), số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng của địa phương này đều tăng so với tuần trước, theo Tri thức trực tuyến.

    Cụ thể, thành phố ghi nhận thêm 149 ca mắc sốt xuất huyết trong 7 ngày qua, không có trường hợp tử vong. Con số này tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước đó. Các bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10)…

    so ca sot xuat huyet tang 2 3 lan
    Ảnh minh họa. Ảnh: Vietnamnet.

    Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 608 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số người mắc sốt xuất huyết cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021 (359 ca).

    Các bệnh nhân phân bố tại toàn bộ 30 quận, huyện; 240/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue được ghi nhận ở các bệnh nhân là DENV1 và DENV2.

    Đáng chú ý, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1). Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã có tổng cộng 55 ổ dịch tại 19 quận, huyện, 45 xã, phường. Trong số này, 13 ổ dịch vẫn đang hoạt động.

    Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho hay, hiện mỗi ngày viện ghi nhận từ 5 đến 7 bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị. Đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau mỏi người.

    Một số người xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, chảy máu mũi. Nặng hơn, các bệnh nhân nữ còn bị xuất huyết âm đạo, rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt, khoa Truyền nhiễm của cơ sở y tế này đã tiếp nhận một số bệnh nhân gặp biến chứng tràn dịch màng bụng, màng phổi.

    Theo các bác sĩ, biến chứng này thường có nguy cơ xuất hiện vào khoảng ngày thứ 4-5. Biến chứng diễn biến tùy từng người, không phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh lý nền hay tiền sử bệnh tật trước đó.

    Sau giai đoạn sốt cao đột ngột, liên tục, thường từ ngày 3-7 của bệnh, bệnh nhân bước vào giai đoạn nguy hiểm dù lúc này có thể họ còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây cũng là điều khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, nghĩ hết sốt coi như hết bệnh.

    Trong giai đoạn trên, bệnh nhân có thể bị đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan. Họ còn vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói. Đây là cũng là thời kỳ bệnh nhân có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Trong đó có tình trạng tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

    Nếu thoát huyết tương nhiều, bệnh nhân dễ dẫn đến sốc với các biểu hiện như: Vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

    Ngoài xuất huyết dưới da, bệnh nhân còn có thể bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

    Một số bệnh nhân xuất huyết nặng hơn, chảy máu trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

    Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, theo Nhân dân.

    Về các dịch bệnh khác, CDC Hà Nội thông tin trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 9 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2022, thành phố có tổng cộng 1.183 ca mắc tay chân miệng; không có ca tử vong. Số lượng bệnh nhân cũng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Với bệnh cúm mùa, trong tháng 7, toàn thành phố ghi nhận 828 trường hợp mắc, giảm nhẹ so với tháng 6 (887). Cộng dồn năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 3.433 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong.

    CDC Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là đang trong cao điểm mùa dịch. Kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-2-3-lan-a547138.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan