+Aa-
    Zalo

    Khám phá các cuốn sách ghi chép Tết xưa

    (ĐS&PL) - Những trang viết về Tết Nguyên đán trong các cuốn sách mang tới những hiểu biết về phong tục, văn hóa truyền thống dân tộc.

    Zingnews đưa tin, Tết Nguyên Đán là một ngày lễ đặc biệt của dân tộc ta vào mỗi dịp đầu năm mới.

    Có những nghi thức tưởng chừng như vô nghĩa nhưng qua góc nhìn của các nhà khoa học, chúng lại là một cách truyền tải thông điệp của quá khứ và hiện tại, của tổ tiên và con cháu, của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". 

    Các phong tục trong ngày Tết ánh lên một vẻ đẹp văn hóa bất chấp hàng nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc, hàng trăm năm đô hộ của phương Tây.

    Hiểu về Tết xưa là hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc. Một số cuốn sách giúp bạn trẻ hôm nay hiểu về phong tục ngày Tết. 

    Hội hè lễ tết của người Việt - GS Nguyễn Văn Huyên

    GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. 

    Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này. Lễ hội theo mùa, theo ngày, theo tháng, theo năm, theo vùng miền, quê quán, họ hàng. Các nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên trải dài theo cả không gian và thời gian.

    kham pha cac cuon sach ghi chep tet xua2
    Hội hè lễ tết của người Việt nằm trong bộ ba cuốn nghiên cứu về văn hóa của GS. Nguyễn Văn Huyên - Nguồn: Zingnews.

    Cuốn sách là một lời bày tỏ tình yêu của giáo sư đối với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông viết về việc người dân ta đi tảo mộ vào mỗi dịp đầu năm hoặc cuối năm.

    Ông cho rằng đó là một trong những cách nhân dân ta giữ gìn những giá trị đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn".

    Qua các hoạt động hàng ngày tưởng chừng như vô nghĩa, dưới góc nhìn của một nhà khoa học, chúng lại mang những thông điệp riêng. Đó là cách quá khứ và hiện tại gửi thông điệp cho nhau. 

    Tâm lý người An Nam - Paul Giran

    Tâm lý người An Nam là cuốn sách nói về tính cách dân tộc, tiến trình lịch sử, tri thức, xã hội và chính trị của người dân ta trong những năm tháng thực dân Pháp đô hộ.

    Cuốn sách là những ghi chép đầy thú vị về Việt Nam của nhà khoa học Paul Giran, một trong số ít các tác giả nghiên cứu về văn hóa tại các nước thuộc địa đầu thế kỷ 20.

    kham pha cac cuon sach ghi chep tet xua4
    Tâm lý người An Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1904 và được tái bản năm 2019 - Nguồn: Zingnews.

    Góc nhìn của Paul Giran không phải là một góc nhìn ngoại lai đầy pha tạp. Nó gần gũi, cởi mở và có những sự đối chiếu dựa trên lòng tôn trọng các khác biệt nhất định. 

    "Người An Nam không giống như những người Kitô giáo hay người theo đạo Islam, không có các nghĩa địa chung, những nghĩa trang bình thường; các nấm mồ của họ tọa lạc trong các thửa ruộng của gia đình; vị tổ tiên tiếp tục sống giữa đám con cháu; ông che chở cho họ bằng sự hiện diện vô hình của mình", Paul Giran viết về nghi thức tảo mộ dịp cận Tết của người Việt.

    Tết Việt Nam xưa – Nhiều tác giả

    Vietnamnet đưa tin, Tết Việt Nam xưa tập hợp bài viết của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh... Những tư liệu quý này được PGS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua. 

    Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn đọc về truyền thống Tết cổ truyền của Việt Nam thời xưa bao gồm những việc như thờ cúng, những điều đặc biệt trong ngày Tết,...

    Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động. Cuốn sách Tết Việt Nam xưa gói trong gần 200 trang, được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. 

    kham pha cac cuon sach ghi chep tet xua5
    Tết Việt Nam xưa tập hợp những bài viết của những tác giả nước ngoài và Việt Nam về Tết cổ truyền - Nguồn: Vietnamnet.

    Phần 1 - Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

    Phần 2 - Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

    Phần 3 - Thú chơi Tết xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

    Phương Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-cac-cuon-sach-ghi-chep-tet-xua-a563473.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan