+Aa-
    Zalo

    Nhiều năm thua lỗ, CTCP Cơ khí lắp máy Lilama trước “bờ vực” bị hủy niêm yết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trước tình trạng kinh doanh thua lỗ, CTCP Cơ khí lắp máy Lilama (HNX: L35) có nguy cơ bị hủy niêm yết.

    Theo BCTC quý 4/2022 của L35, đơn vị này lỗ kế toán gần 9 tỷ đồng năm 2022. Ngoài ra, lãi sau thuế ở 2 năm tài chính 2020 và 2021 của 35 cũng ở con số âm.

    Trong trường hợp BCTC kiểm toán 2022 vẫn cho kết quả thua lỗ, L35 đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc. Nguyên nhân do theo quy định, công ty có “kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. 

    Những năm gần đây, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận của L35 liên tục suy giảm. Năm có lãi hiếm hoi của L35 đã từ 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng khá “mỏng”, chỉ ở mức 302 triệu, trong khi doanh thu thuần là 122 tỷ, chiếm 0,2%.

    image1
    Kết quả kinh doanh qua các năm của L35

    Bước sang năm 2020, doanh thu thuần của của L35 giảm 11%, đạt 109 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tụt giảm mạnh khi ghi nhận mức âm 9,6 tỷ đồng. 

    Đến năm tài chính 2021, tình hình tài chính của L35 tiếp tục xấu đi khi doanh thu thuần chỉ đạt 82,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế có sự cải thiện hơn so với năm 2020, tuy nhiên vẫn ở mức âm 6,6 tỷ.

    Không chỉ có kết quả kinh doanh yếu kém, cơ cấu tài sản của L35 cũng cho thấy sự thiếu vững chắc khi đa phần tài sản, nguồn được tài trợ bởi nguồn vay nợ. Cụ thể, năm 2019, tổng nợ của L35 là 167 tỷ, nợ ngắn hạn 163 tỷ (chiếm 97%).

    Năm 2020, tổng nợ của L35 lên mức 168 tỷ, nợ ngắn hạn 165,8 tỷ (chiếm 98,6%). Năm 2021, tổng nợ tiếp tục tăng lên 179 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn với 176 tỷ tiếp tục chiếm khoảng 98%.

    Ngoài ra, hệ số thanh toán tức thời qua các năm của L35 cũng cho thấy nhiều dấu hiệu không khả quan. Cụ thể, qua 3 năm 2019, 2020, 2021, hệ số thanh toán tức thời của L35 lần lượt ở mức 0,02; 0,007; 0,03.

    image2
    Từ năm 2017 đến 2022, L35 đã tham gia 6 gói thầu, trong đó trúng 3 gói liên quan tới lĩnh vực xây lắp sửa chữa với tổng giá trị gần 23 tỷ.

    Thông thường, chỉ số này ở mức 0,1 cho thấy khả năng duy trì lượng tiền mặt để thanh toán các khoản nợ tức thời của doanh nghiệp tương đối ổn định. Trong trường hợp của L35, chỉ số thấp và liên tục tụt giảm cho thấy khả năng thanh toán không tốt.

    Bên cạnh những số liệu cho thấy tình hình tài chính đi xuống, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu L35 gần như không có thanh khoản. Thị giá tại phiên sáng 13/02 là 4,100 đồng/cp.

    Được biết, công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy Lilama được thành lập theo hình thức chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước là Công ty Cơ khí lắp máy, thuộc tổng công ty lắp máy Việt Nam theo quyết định ngày 19/06/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Địa chỉ: Số 72E, đường Hoàng Diệu, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

    Ngành nghề kinh doanh của công ty gồm: xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; sản xuất thùng, bể chưa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại; gia công cơ khí... .

    Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-nam-thua-lo-ctcp-co-khi-lap-may-lilama-truoc-bo-vuc-bi-huy-niem-yet-a565965.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan