+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

    (ĐS&PL) - Trước tình hình mưa lớn trên diện rộng kéo dài, cảnh báo lũ lớn và sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

    Công điện của Thủ tướng gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.

    Công điện nêu rõ, từ ngày 25/9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. 

    thu tuong chi dao khan cong tac ung pho va khac phuc hau qua mua lu
    Các đơn vị chức năng cần huy động lực lượng hỗ trợ người dân vùng lũ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

    Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ".

    Khẩn trương rà soát, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

    Trong đó, Thủ tướng lưu ý Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

    Kịp thời hỗ trợ lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

    Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.

    Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.

    Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút.

    Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

    Kịp thời thông tin cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

    Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.

    nghe an nuoc lu dang cao 40 em hoc sinh pha mai ngoi leo len noc nha keu cuu1
    Hỗ trợ học sinh vùng lũ, đảm bảo cuộc sống và việc học hành của các em. Ảnh: Dân Việt.

    Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

    Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

    Đề nghị các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

    Trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có Văn bản số 362/VPTT ngày 27/9/2023 đề nghị các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

    Văn bản nêu rõ, từ ngày 25-27/9/2023, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to từ 200-400mm, hiện đang mở rộng ra Thanh Hoá và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27-28/9/2023, khu vực Thanh Hoá đến Nghệ An có mưa rất to từ 60-120mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ có mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm; Hà Tĩnh và khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa từ 20-50mm, có nơi trên 90mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

    Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

    Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. 

    Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. 

    Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. 

    Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. 

    Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. 

    Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

    Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Link nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nguy-co-lu-chong-lu-thu-tuong-chi-dao-khan-119230928090037102.htm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-chi-dao-tap-trung-ung-pho-va-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-a592899.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan