+Aa-
    Zalo

    Tiết lộ căn bệnh hiếm khiến Celine Dion "có thể vĩnh viễn không đi hát được nữa"

    (ĐS&PL) - Căn bệnh "người cứng" mà Celine Dion mắc phải khiến danh ca "có thể vĩnh viễn không đi hát được nữa" là căn bệnh hiếm với tỷ lệ 1-2 người/triệu dân. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để.

    Báo VnExpress dẫn thông tin từ trang Radar Online hôm 20/8 cho biết, tình trạng của danh ca Celine Dion diễn tiến tệ hơn. Sức khỏe ca sĩ suy nhược đến mức cô ghét phải ra khỏi nhà dù chỉ trong thời gian ngắn. Cô gặp khó khăn trong việc đi lại vì dễ bị những cơn đau co thắt. Lưng ca sĩ cũng dần cong vì hội chứng này, kèm theo những đợt co thắt cơ "không thể chịu đựng".

    tiet lo can benh hiem khien celine dion co the vinh vien khong di hat duoc nua
    Celine Dion có thể vĩnh viễn không đi hát trở lại được do bị bệnh SPS hiếm gặp.

    Theo nguồn tin, hội chứng SPS - chứng bệnh hiếm khiến Celine Dion cảm thấy như bị cầm tù trong chính cơ thể mình, và "có thể vĩnh viễn không còn đi hát được nữa". Gần 2 năm, cô chưa xuất hiện trước công chúng. Hiện Celine Dion phải hủy mọi hoạt động trong năm nay, tour diễn của cô vào năm 2024 cũng bị dời lại vô thời hạn.

    Theo báo Tiền Phong, hội chứng người cứng (còn được gọi là SPS) được Viện nghiên cứu Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ (NINDS) định nghĩa là "chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp với các đặc điểm của bệnh tự miễn dịch. Co cứng cơ có thể xuất hiện khi có các yếu tố kích thích như tiếng ồn, căng thẳng tâm lý, khi cử động hay khi bị chạm vào người.

    Bệnh SPS có biểu hiện như thế nào?

    Theo tạp chí Phụ nữ số, hầu hết các triệu chứng của bệnh là do tình trạng co cứng các cơ gây ra, bệnh tiến triển âm thầm, từng đợt, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, bao gồm:

    Tê cứng các chi (chân, tay)

    - Cứng các cơ ở vùng thân mình, các cơ bụng và các cơ ở vùng lưng.

    - Thay đổi hình dáng của cơ thể do sự cứng của các cơ ở vùng lưng có thể gây gù lưng hoặc ưỡn vùng thắt lưng.

    - Khó khăn đi lại hoặc khi thay đổi tư thế như: xoay đổi chiều hoặc uốn cong.

    Cùng với sự co cứng các cơ là cơn co thắt cơ gây đau. Các cơn co thắt cơ có thể xuất hiện đột ngột hoặc khi có các kích thích như là hành động đột ngột, sau tiếng động mạnh hoặc khi chạm vào cơ thể. Người bệnh có thể có biểu hiện như giật chân, giật mình, đôi khi các cơn co thắt diễn ra rất mạnh mẽ có thể gây ngã khi đang đứng, thậm chí là gãy xương. Các cơn co thắt diễn ra tự động, có thể kéo dài vài phút, thậm chí vài giờ và phải cần đến các thuốc giãn cơ tiêm tĩnh mạch để cắt cơn.

    Ngoài ra, bệnh cũng gây nên các rối loạn về tâm lý cho người bệnh. Tình trạng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, nỗi ám ảnh có gây ra do các triệu chứng của bệnh hoặc do sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh ở não bộ. Cảm xúc lo lắng, chán nản có thể tăng lên khi người bệnh đi ra các nơi công cộng.

    Ở giai đoạn sau của bệnh, người bệnh phải trải qua sự co cứng hơn của các cơ và nó có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như: gây co cứng các cơ vùng mặt làm giảm sự biểu cảm của khuôn mặt, co cứng các nhóm cơ liên quan đến hô hấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

    Theo thời gian, người bệnh ngày càng đi lại khó khăn. Nguy cơ bị ngã, bị chấn thương, hoặc thương tật vĩnh viễn và có thể phải ngồi xe lăn ở giai đoạn sau của bệnh. Bệnh tiến triển thành từng đợt và có thể lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh.

    Nguyên nhân của bệnh SPS là gì?

    Ở những người bị rối loạn tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể là các tác nhân gây bệnh và tấn công chúng. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn miễn dịch tự miễn này vẫn chưa được biết đến, mặc dù yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nào đó.

    Bệnh SPS có thể gặp nhiều hơn ở những người có các bệnh tự miễn khác đi kèm như: Bệnh thiếu máu ác tính, bệnh bạch biến, đái tháo đường, bệnh viêm tuyến giáp tự miễn, bệnh Celiac (bệnh dị ứng với protein có trong lúa mì).

    Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy mối liên kết giữa thể cận ung thư hiếm gặp của bệnh SPS với các bệnh Ung thư khác nhau bao gồm: Ung thư vú, ung thư ruột, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, bệnh Hodgkin hoặc non - Hodgkin.

    Làm thế nào để chẩn đoán bệnh SPS?

    Để chẩn đoán bệnh, các chuyên gia sẽ tiến hành hỏi tiền sử và quá trình bệnh lý của người bệnh để loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ra tình trạng co thắt các cơ như bệnh MS, Parkinson…, đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết như:

    - Xét nghiệm máu tìm kháng thể GAD: 80% người bệnh có kháng thể này trong máu.

    - Điện cơ: Phương pháp này để đo lường và đánh giá hoạt động điện trong cơ.

    - Chụp MRI (cộng hưởng từ) não và tủy sống để loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra các biểu hiện tương tự đồng thời kiểm tra các tình trạng tự miễn dịch khác.

    Điều trị bệnh SPS như thế nào?

    Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh SPS, các biện pháp điều trị triệu chứng giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Có thể sử dụng một hoặc nhiều nhóm thuốc bao gồm: Thuốc giãn cơ, thuốc an thần kinh như benzodiazepin (diazepam…), thuốc chống động kinh như Neurontin, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm.

    Có thể kết hơn với các thuốc làm thay đổi miễn dịch của bệnh: lọc huyết tương… hoặc kết hợp với lý liệu pháp, massage…

    Celine Dion sinh năm 1968 tại Canada, được Billboard vinh danh cô là "Nữ hoàng nhạc đương đại". Diva từng giành 5 giải Grammy, bao gồm Album của năm và Thu âm của năm.

    Cô ghi dấu trong lòng người hâm mộ với những album lừng danh như Falling Into You (1996), Let's Talk About Love (1997). Celine sở hữu hàng loạt các bản hit quốc tế, My Heart Will Go On trong bộ phim Titanic có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất của cô.

    Chồng của Celine Dion - Rene Angelil – mất năm 2016 vì bệnh ung thư vòm họng, thọ 73 tuổi. Họ có 3 người con là Rene-Charles cùng cặp song sinh Eddy - Nelson.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-can-benh-hiem-khien-celine-dion-co-the-vinh-vien-khong-di-hat-duoc-nua-a587680.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan