+Aa-
    Zalo

    Từ vết thương của cha, con gái quyết tâm trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nức danh đất Bắc

    (ĐS&PL) - Chứng kiến thân sinh ra mình lở loét sau chấn thương, cô con gái nhỏ quyết tâm phải là người “khâu vá” cho cha.

    Cơ duyên cầm dao thẩm mỹ

    12h kém, PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai bước ra từ phòng phẫu thuật, sau nhiều giờ xử lý một ca tái tạo ngực. Trên khuôn mặt vị nữ bác sĩ U50 vẫn tràn đầy năng lượng, vì chị vừa giúp thêm một người đẹp lên, giúp họ bước sang trang mới.

    Những ca phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, quá đỗi quen thuộc với chị. Nó đã gắn bó với chị gần 20 năm qua.

    Chị chia sẻ, đều đặn sáng 6h nữ bác sĩ sẽ ra khỏi nhà, tối 7-8h chị mới về là chuyện bình thường. “Có khi mới về đến nhà, điện thoại tôi lại reo lên, kíp trực báo tôi phải quay lại viện ngay vì có ca cấp cứu. Mình lại xách túi vào viện làm nhiệm vụ”, bác sĩ Dung tâm sự.

    Với chị được “đắm chìm” vào công việc là điều hạnh phúc. Chị yêu ngành y, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ.

    z519373291167749284a3d892a0f678721c5a75c11b99d
    Được đắm chìm vào nghề, nữ bác sĩ đã phải "cãi cha cãi mẹ"

    Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước đó để được vào trường y, vị nữ bác sĩ đã phải “cãi cha cãi mẹ”.

    Bác sĩ Dung tâm tình, trước đây chị không được gia đình đồng ý cho theo nghề, bố muốn chị theo Công nghệ Sinh học, mẹ lại muốn chị theo sư phạm cho dễ lấy chồng. Nhưng nghề y thì tuyệt đối không.

    “Niềm yêu thích nghề xuất phát từ bố, vì bố tôi là một thầy thuốc ở huyện. Thế nhưng, cũng chính bố là người ngăn cản tôi vào nghề vì sợ con gái vất vả. Ngày bé tôi hay quan sát bố khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Sau đó tôi hay rủ bạn bè quanh nhà chơi trò bác sĩ - bệnh nhân. Tôi vào vai bác sĩ, thăm khám cho bệnh nhân. Nhớ lại những thao tác của bố, tôi thường lấy những chiếc gai bưởi để làm kim tiêm, mảng áo rách làm bông gạc. Nhiều lần đâm bạn chảy máu, khiến hàng xóm dắt con qua nhà bắt đền”, bác sĩ Dung bật cười nhớ lại.

    Cho đến năm 1998, bác sĩ Dung tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học, chị đỗ cùng lúc 3 trường với số điểm cao, trong đó có cả trường Đại học Y Hà Nội.

    “Mặc dù năn nỉ gãy lưỡi muốn ghé qua Trường Đại học Y Hà Nội một chút, ngày nhập trường bố tôi vẫn một mạch từ nhà đến cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

    Sau 2 tuần nhập học, niềm yêu thích nghề y không ngừng thôi thúc tôi nghỉ học bằng được. Tôi quyết định bỏ học, nộp hồ sơ sang Trường Đại học Y Hà Nội. Tôi gọi điện báo với bố “Con nghỉ học rồi, bố lên đưa con sang Y nhập học…”. Bố có giận, nhưng cũng im lặng chiều theo ý con gái, vì lúc đó không học y là tôi thất học”, nữ bác sĩ hào hứng kể lại.

    May mắn dù nhập học muộn sau 2 tuần, nhưng vì có số điểm trong top cao của trường, bác sĩ Dung nhanh chóng được nhập học và bắt kịp chương trình với các bạn.

    Năm 2004, chị chuẩn bị tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, thì bất ngờ gia đình gặp biến cố. Bố chị gặp chấn thương sọ não nặng, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong thời gian dài. Suốt 2 tháng ròng rã, ông nằm thở máy, mê man, nhiễm trùng phổi và xuất hiện những vết loét do tỳ đè.

    Rồi những đêm trông bố ở viện, chị chứng kiến những cuộc cấp cứu tạo hình cam go cho các bệnh nhân nặng. Chị quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

    z5193731677945a6749783c678dd57413aa7cd80d005611
    Vốn yêu thích sẵn chuyên ngành Ngoại khoa, biến cố gia đình càng khiến nữ bác sĩ quyết tâm hơn trên con đường mình đã chọn

    “Lý do đặc biệt hơn là khi gia đình đưa bố đi nhiều nơi để tái tạo, thế nhưng nhận lại chỉ là cái lắc đầu vì khó. Chính vì thế ao ước học sâu về phẫu thuật thẩm mỹ của tôi càng có cớ. Trước hết là vì muốn tái tạo những vết lóet của bố, sau đó là cho những người có số phận tương tự”, sự quyết tâm của cô sinh viên sắp tốt nghiệp, đã tạo nên một nữ bác sĩ như ngày hôm nay.

    Và bệnh nhân đầu tiên trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình của chị cũng chính là bố. Ca phẫu thuật đầu tiên trong nghiệp làm bác sĩ của chị thành công ngoài mong đợi.

    Những vết thương của bố cũng dần lành lại, điều đó khiến chị rất vui và hạnh phúc. Cũng là động lực giúp nữ bác sĩ có niềm tin trên con đường mình đã chọn.

    Thẩm mỹ không chỉ là để làm đẹp

    Nhiều năm làm nghề, nữ bác sĩ chứng kiến vô số ca bệnh vì hỏng, vì khuyết phải tìm đến bác sĩ tạo hình thẩm mỹ. Nhưng cũng không ít người hiểu nhầm về cụm từ này. Họ chỉ nghĩ thẩm mỹ là làm đẹp, là hoàn thiện dáng vẻ bề ngoài.

    “Làm đẹp chỉ là một trong những khía cạnh của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngoài giá trị làm đẹp, thẩm mỹ còn có ý nghĩa cao cả hơn, nhân văn hơn. Thẩm mỹ mang lại hạnh phúc cho những bệnh nhân kém may mắn, những bệnh nhân đang ở tột cùng của sự tự ti, tuyệt vọng vì khiếm khuyết của cơ thể do dị tật bẩm sinh, bỏng, chấn thương hay sau cắt bỏ khối ung thư… trở nên lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn”, PGS Phạm Thị Việt Dung nhấn mạnh.

    Chẳng hạn như câu chuyện tái tạo ngực cho bệnh nhân phía trên. Nữ bệnh nhân quyết tâm sửa ngực sau khi mắc ung thư, phải cắt bỏ một bên vú.

    Đau lòng hơn, mắc bệnh không lâu, nữ bệnh nhân ấy bị chính người chồng tay má kề “lạnh nhạt”. Và chỉ trong vòng vài tháng, người chồng ấy đã đề nghị ly hôn vì khiếm khuyết trên cơ thể vợ sau căn bệnh quái ác.

    “Chị tìm gặp tôi để muốn được tái tạo ngực, để sớm cân bằng trong cuộc sống, lấy lại tinh thần để sống tốt và mạnh mẽ hơn”, nữ bác sĩ chia sẻ.

    z519373291234438061d0f9adf301d1ff3c640ec52e135
    Thẩm mỹ không chỉ là đẹp mà còn là tái tạo cuộc sống

    Hay như một ca bệnh 45 tuổi không xác định được giới tính từ khi sinh ra. Nữ bệnh nhân mắc dị tật ái nam ái nữ, lưỡng giới giả nam (Hay còn gọi là hội chứng không nhạy cảm Androgen).

    Khi sinh ra, với bộ phận sinh dục không hẳn giống trẻ nữ bình thường khác nhưng cũng chẳng giống trẻ nam, bệnh nhân được bố mẹ khai sinh là nữ.

    Lớn lên, bệnh nhân ngậm ngùi khi thấy các bạn đến tuổi dậy thì da dẻ mịn màng, nữ tính, ngực phát triển, có kinh nguyệt, còn mình thì thô kệch, ngực phẳng lỳ, hàng tháng chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

    Không những thế, qua sách báo và tìm hiểu trên Internet bệnh nhân hình dung đó là âm vật của nữ giới thì của bệnh nhân khi đến tuổi dậy thì, nó lại phát triển nghễu nghện gần giống như của các chàng trai mới lớn. Suốt thời gian tuổi trẻ, nữ bệnh nhân sống trong sự câm nín, buồn tủi, dằn vặt về bản thân mình.

    Bước qua nửa đời người, bệnh nhân tình cờ đọc một bài của PGS Dung viết về hội chứng không nhạy cảm androgen, chị tìm đến, mở lòng tâm sự.

    Sau khi được làm tất cả các xét nghiệm chẩn đoán, chị hơi sốc vì kết quả xác nhận về mặt di truyền chị là nam, chị có cả hai tinh hoàn ở hai bên ống bẹn.

    Sau những ngày suy nghĩ và tâm sự với mẹ, mẹ con họ đến tìm bác sĩ Dung, muốn bác sĩ giúp mình trở thành cô gái “hoàn chỉnh”.

    “Điều ước trở thành sự thật, khi ra viện 2 mẹ con họ cầm tay tôi nghẹn ngào không nói lên lời vì hạnh phúc”, chị Dung xúc động chia sẻ.

    Nữ bác sĩ thẩm mỹ được tôi luyện từ người thầy khó tính

    Sau mỗi ca phẫu thuật sửa lỗi cho bệnh nhân, bác sĩ Dung lại thấy bản thân làm thêm được một việc có ích.

    Và để có được chị ngày hôm nay, nữ bác sĩ luôn nhắc đến người thầy của mình – GS Trần Thiết Sơn (vị GS đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ). “Thầy vô cùng nghiêm túc trong nghề, say mê với nghề, thầy có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để nghiên cứu về một ca bệnh khó. Và đặc biệt thầy luôn khắt khe với học trò. Từ đó chính bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều đức tính từ thầy. Chắc có lẽ tôi là học trò bị thầy mắng nhiều nhất”, bác sĩ Dung bật cười.

    z5193732911752736ca0d135bb286419ad57e820a5700c
    Một trong những học trò kế nhiệm đầu tiên của vị giáo sư đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

    Bác sĩ Dung bộc bạch, từ khi được thầy giảng dạy, truyền nghề, chị luôn trân trọng việc thầy luôn xem chị không khác ‘đàn ông’ mà dạy dỗ, vì thực tế ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vô cùng vất vả và áp lực. Hầu hết, phái nam sẽ lựa chọn ngành này nhiều hơn là nữ.

    XEM THÊM: Tâm – Trí – Lực của thầy thuốc đã, đang và sẽ mãi dành hết cho người bệnh

    “Thời tôi lựa chọn chuyên ngành này, các nữ bác sĩ đăng ký học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng chính vì lẽ đó, những năm học với thầy, ngày lễ, hay ngày kỷ niệm, mọi người được đi chơi, nhưng tôi thì “được” đi học vì thầy bảo “nó có phải con gái đâu đi chơi làm gì?. Cũng chính khoảng thời gian đó mới có tôi ngày hôm nay”, nữ bác sĩ bật cười tâm sự.

    Mộc Trà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vet-thuong-cua-cha-con-gai-quyet-tam-tro-thanh-bac-si-phau-thuat-tham-my-nuc-danh-dat-bac-a611976.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thẩm mỹ viện Mailisa trao hơn 1000 phần quà tới tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Quận 12, TP.HCM

    Thẩm mỹ viện Mailisa trao hơn 1000 phần quà tới tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Quận 12, TP.HCM

    Sáng ngày 23/01/2024, tại Hội trường Quận 12 đã diễn ra chương trình thiện nguyện trao tặng hơn 1000 phần quà với tổng trị giá 500.000.000 đồng cho các bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Được biết, chương trình này do doanh nhân Hoàng Kim Khánh và Phan Thị Mai - kết hợp cùng Ủy Ban Nhân Dân Quận 12 và Uỷ Ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Quận 12 tổ chức.