+Aa-
    Zalo

    Văn hóa nhậu đang dần "lụi tàn" tại Nhật Bản?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Văn hóa nhậu sau giờ làm có thể đang tiến đến hồi kết do vấp phải sự chống đối ngày càng gia tăng, đặc biệt từ những phụ nữ Nhật Bản đi làm.

    Văn hóa nhậu sau giờ làm có thể đang tiến đến hồi kết do vấp phải sự chống đối ngày càng gia tăng, đặc biệt từ những phụ nữ Nhật Bản đi làm.

    Những buổi nhậu kéo dài khiến dân công sở Nhật Bản khốn khổ. Ảnh: Getty.

    Nhậu nhẹt với đồng nghiệp sau giờ làm từ lâu đã là một phần trong văn hóa Nhật Bản. Những buổi uống rượu được gọi là "nomikai". Có thể hiểu, với người Nhật Bản, nomikai không đơn thuần là bữa ăn. Đó là nơi để đồng nghiệp với đồng nghiệp, sếp với nhân viên hay các đối tác trao đổi, gắn kết nhau.

    Tuy nhiên, ở một số công ty, những buổi tụ tập như vậy đang ngày càng ít đi, khi nhiều nhân viên cảm thấy bị "quấy rối bằng quyền lực".

    Về cơ bản, mục đích của nomikai không xấu. Tuy nhiên, chính sự gắn kết trong bữa nhậu khiến nhiều người gặp áp lực không thể thoát ra. Việc từ chối bữa nhậu không khác gì tuyên bố "tự xa rời tập thể". Những người không đến các buổi nhậu dễ "bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và bị kỳ thị trong công ty".

    Kumiko Nemoto, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto cho rằng việc ép người khác uống rượu cũng được coi là một hành vi quấy rối.

    “Trước đây, nhậu sau giờ làm việc thường xuyên diễn ra và trở thành một phần của văn hóa làm việc thông thường ở Nhật Bản. Nhưng hiện tại, tụ tập uống rượu sau giờ làm việc bị nhiều người coi là một cách quấy rối bằng quyền lực”, ông Nemoto nói.

    Chính phủ Nhật Bản muốn ban hành quy định cho các công ty để ngăn chặn quấy rối bằng quyền lực từ năm 2020. Động thái này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm loại bỏ môi trường làm việc độc hại ở một quốc gia nổi tiếng về việc làm thêm giờ, thậm chí có những người chết vì làm việc quá sức.

    Trong bối cảnh đó, một số nhà quản lý trở nên ngần ngại mời nhân viên của mình đi uống rượu sau giờ làm. Kitamura cho hay trong 3 năm qua, các sếp của anh đã nói rõ rằng việc uống rượu không phải là bắt buộc.

    Những buổi nhậu sau giờ làm là cách người Nhật gây dựng các mối quan hệ xã hội. Ảnh: Getty.

    Trong số những lãnh đạo công ty đi ngược lại văn hoá nhậu ở Nhật có Tats Katsuki, 47 tuổi. Katsuki, quản lý tại một công ty kinh doanh, thừa nhận anh không yêu cầu nhân viên của mình đi uống rượu sau giờ làm.

    "Mọi người nhìn chung đều lo ngại về tất cả các kiểu quấy rối, quấy rối quyền lực, quấy rối tình dục", anh nói, cho hay nhận thức về văn hoá nhậu đã tăng lên trong 5 năm qua. "Cấp dưới luôn có thể gửi thư nặc danh đến một hòm thư khiếu nại. Vì thế mọi người đều ý thức và thận trọng hơn".

    Điều này khác xa so với những công ty mà Katsuki từng làm cách đây hơn 20 năm. Thời đó, mọi người có cách nghĩ khác và anh đi nhậu với các đồng nghiệp ở Tokyo tới 4 lần một tuần.

    "Đã đến lúc cần chấm dứt uống rượu với sếp sau giờ làm". Đó là thông điệp của Saiko Nanri, Giám đốc ngân hàng của tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, người muốn thay đổi văn hóa uống rượu lâu đời giữa quản lý và nhân viên.

    Giám đốc Nanri, 49 tuổi, tuyên bố với cấp dưới rằng sẽ không tổ chức những buổi tụ tập uống. Cô cho rằng chúng không làm tăng năng suất lao động và bất công với bố mẹ có con nhỏ.

    Là mẹ của hai cô gái tuổi teen, Nanri muốn cải thiện sự tương tác của các nhân viên trong suốt thời gian làm việc và khuyến khích nhân viên dành nhiều thời gian buổi tối cho gia đình và bạn bè. Cô cho biết đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhân viên. Họ đánh giá cao việc không cảm thấy bị ra rìa khi không tham gia tiệc tùng sau giờ làm.

    Nanri là một trong những giám đốc nữ đầu tiên của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Trước đây, cô không phải lúc nào cũng phản ứng với những cuộc gắn kết ngoài giờ làm. Khi mới đi làm, cô từng đi đánh golf với các sếp và làm mọi thứ có thể để thích nghi với văn hóa doanh nghiệp đàn ông thống trị. Sinh con xong và trở lại làm việc, cô bắt đầu gặp những vướng mắc.

    "Tôi sốc khi biết phải rời công sở sớm thế nào mới kịp đón con ở trường", cô cho hay. Việc thích nghi sau này giúp Nanri vươn tới vị trí đứng đầu Khối Truyền thông doanh nghiệp, quản lý 100 nhân viên. Nanri hy vọng các phụ nữ trẻ sẽ dễ thở hơn. Cô cho rằng những gì mình làm chỉ là một nỗ lực nhỏ thay đổi thói quen giao tiếp.

    Ảnh: Getty

    Quan điểm của Nanri phản ánh xu hướng phản đối của một bộ phận nhân viên công sở Nhật Bản cho rằng các thói quen làm việc lạc hậu đang cản trở năng suất lao động và làm nản lòng những phụ nữ muốn duy trì công việc. Một số phụ nữ Nhật Bản cảm thấy bực bội vì vẫn phải cố làm vui lòng sếp sau một ngày làm việc dài.

    "Nghi thức lỗi thời này đang gây cản trở đối với những bà mẹ đi làm và những ông bố muốn hỗ trợ việc nhà cũng như những người lao động nước ngoài từng quen với sự cân bằng công việc và cuộc sống riêng", giáo sư Kumiko Nemoto từ Đại học Ngoại ngữ Kyoto viết trong một nghiên cứu về bất công giới tính nơi công sở tại Nhật Bản.

    Tuy nhiên, trong khi các lãnh đạo công ty cố gắng điều chỉnh theo xu hướng mới, một số nhân viên trẻ lại cảm thấy lạc lõng và cho rằng mọi người đã phản ứng thái quá. Kitamura, người hiện là quản lý dự án tại một công ty nghiên cứu thị trường ở Tokyo, cho hay các nhân viên mới "cảm thấy như họ không được mời đi uống rượu nữa".

    "Họ cảm thấy lạc lõng. Nhậu vẫn là một công cụ xã hội để thực sự kết nối với sếp của bạn", anh nói. Dù khi còn trẻ, Kitamura cảm thấy áp lực vì phải đi nhậu cùng sếp và các đồng nghiệp, anh vẫn thích uống rượu và muốn được tụ tập với mọi người.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/van-hoa-nhau-dang-dan-lui-tan-tai-nhat-ban-a308692.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan