+Aa-
    Zalo

    Vì sao truyền thông Nhật Bản tránh dùng từ 'ám sát' khi nói về vụ sát hại cựu Thủ tướng Abe?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi viết về vụ sát hại cựu Thủ tưởng Shinzo Abe, truyền thông Nhật Bản rất cẩn trọng và tránh sử dụng từ 'ám sát'.

    Ngay sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn gục trong lúc vận động tranh cử tại thành phố Nara vào hôm 8/7, truyền thông Nhật Bản đã rất nhanh chóng cập nhật thông tin từng phút liên quan tới vụ việc và tình hình của ông. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ rệt trong cách đưa tin của Nhật Bản với báo chí phương Tây.

    Trong khi truyền thông thế giới gọi đó là một vụ 'ám sát' thì Nhật Bản vẫn rất cẩn trọng trong cách dùng từ và hạn chế tối đa việc mô tả vụ việc này như vậy. Tất cả các tờ nhật báo lớn của Nhật Bản đều đăng những dòng tiêu đề giống hệt nhau trên các trang nhất: "Cựu Thủ tướng Abe tử vong sau khi bị bắn".

    Các đài truyền hình như NHK và các tờ báo lớn cũng đã làm điều tương tự khi tránh dùng từ "ám sát".

    Theo Japan Times, chỉ gọi vụ việc của ông Abe đơn thuần là "tử vong" có thể không chính xác, từ này sẽ không làm rõ liệu việc ông qua đời là do một cuộc tấn công được lên kế hoạch trước, một vụ bắn súng ngẫu nhiên hay thậm chí là thiệt hại do một vụ nổ súng gây ra.

    truyen thong nhat ban phan ung ve vu sat hai ong abe
    Truyền thông Nhật Bản đã phản ứng một cách thận trọng sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn tử vong. Ảnh: Bloomberg 

    Trong những năm gần đây, từ "ám sát" chỉ được các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản sử dụng khi đề cập đến các vụ việc ở nước ngoài, chẳng hạn như vụ ám sát công dân Triều Tiên vào năm 2017, vụ sát hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021 và các âm mưu nhằm vào quan chức nước ngoài.  

    Lý giải về sự khác biệt này, một biên tập viên người Nhật Bản cho biết: "Các vụ ám sát thường mang yếu tố bất ngờ trong lịch sử ở Nhật Bản thời hậu chiến và chúng tôi thậm chí không có sự thống nhất về thời điểm thích hợp để tự mình sử dụng từ 'ám sát'". 

    Trong những năm 1930, Nhật Bản đã chứng kiến hàng loạt vụ ám sát và toan tính liên quan tới cuộc đời của các thủ tướng. Trong thời kỳ đó, các tiêu đề tin tức ban đầu sử dụng từ "tai họa" và từ này sau đó được thay thế bằng "ám sát" khi các thông tin chi tiết liên quan tới vụ việc được công bố.

    Thuật ngữ "tai hoạ" đã trở nên ít phổ biến hơn ở Nhật Bản thời hậu chiến và "ám sát" được sử dụng để chỉ cái chết của các nhân vật có ảnh hưởng thế giới như cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Martin Luther King và Malcolm X.

    Trong cùng thời gian đó, vào năm 1960, vụ ám sát ông Inejiro Asanuma của Đảng Xã hội Nhật Bản là vụ sát hại một nhân vật chính trị quan trọng nhất ở Nhật Bản sau chiến tranh cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng ngay cả khi đó, dù báo chí Nhật Bản chỉ gọi cái chết của ông là một "vụ ám sát" trên các trang tin tiếng Anh, họ vẫn mô tả đó là "cái chết do bị đâm" khi đăng trên các trang tin trong nước. 

    Biên tập viên người Nhật Bản tiếp tục: "Khi một chức sắc nước ngoài bị ám sát, cụm từ địa phương là 'ám sát' được sử dụng, nhưng khi một nhân vật quan trọng của đất nước tôi bị sát hại, tôi không biết diễn tả thế nào. Không có định nghĩa nào trong các quy tắc của chúng tôi về việc khi nào nên sử dụng từ 'ám sát' và khi nào thì không nên sử dụng nó".

    Trang tin của người này đã quyết định mô tả cái chết của ông Shinzo Abe là "tử vong do bị bắn" sau khi cân nhắc kỹ những từ ngữ được các cơ quan truyền thông khác của Nhật Bản lựa chọn.

    Ngoài vấn đề sử dụng từ ngữ, có một điểm đặc biệt khác trong phản ứng của giới truyền thông Nhật Bản về vụ sát hại ông Abe. 

    Trong quá khứ, các sự kiện tin tức lớn - bao gồm cả Trận động đất ở miền Đông Nhật Bản và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên (trước khi chúng trở nên phổ biến) - đã phủ sóng truyền hình suốt ngày đêm khi các nhà đài bỏ các chương trình đã được lên kế hoạch trước đó.

    Nhưng, bất chấp tin tức về vụ ám sát cựu thủ tướng đầu tiên trong lịch sử thời hậu chiến, lần này truyền thông Nhật Bản đã có phản ứng khác hoàn toàn. Để chắc chắn, hầu hết các mạng đều cung cấp tin tức nóng hổi cho đến tận tối muộn. Nhưng sau nửa đêm, họ trở lại với chương trình bình thường như đã lên lịch trước đó, với một số chương trình hài kịch phát sóng đêm khuya.

    Một lời giải thích hợp lý là vào ngày 9/7, trước khi cử tri đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Thượng viện, các phương tiện truyền thông chính thống của Nhật Bản đã duy trì sự thận trọng, hạn chế chạy các chương trình đặc biệt có thể được coi là ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu.

    Do đó, trước một trong những sự kiện gây chấn động Nhật Bản, công chúng nước này đã trải qua một ngày cuối tuần tương đối yên tĩnh, khi thông tin về cái chết của vị chính trị gia nổi tiếng nhất đất nước không phải lúc nào cũng "phủ sóng" truyền hình.

    Minh Hạnh (Theo Japan Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-truyen-thong-nhat-ban-tranh-dung-tu-am-sat-khi-noi-ve-vu-sat-hai-cuu-thu-tuong-abe-a544107.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan