+Aa-
    Zalo

    Vụ 100 cô dâu Việt mất tích: Điều tra đường dây buôn người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Bỗng dưng một ngày cuối tháng 11, họ đồng loạt biến mất, để lại những ông chồng Trung Quốc ngơ ngác rủ nhau đi... báo cảnh sát Hà Bắc.

    (ĐSPL) - Đây là những phụ nữ nông thôn, lấy chồng qua môi giới ở các khu vực gần Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Họ vẫn đang sinh sống với gia đình chồng tại các làng trong địa phương nhưng bỗng dưng một ngày cuối tháng 11, họ đồng loạt biến mất, để lại những ông chồng Trung Quốc ngơ ngác rủ nhau đi... báo cảnh sát Hà Bắc.

    Giang và Loan, hai cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc trên đường về nhà. 

    100 cô dâu biến mất sau bữa tối

    Yuan Xinqiang, 22 tuổi, người huyện Cù Châu mới cưới một cô vợ Việt vào tháng Chín sau khi được bà Wu Meiyu mai mối. Bà mối này là người Việt, sống tại ngôi làng bên cạnh đã 20 năm. Vì nhu cầu kiếm vợ của đông đảo nam giới Trung Quốc, bà Wu Meiyu đi khắp khu vực nông thôn Hà Bắc để kiếm mối, hứa hẹn mang cho họ cô dâu người Việt với chi phí 105.000 nhân dân tệ (NDT), tương đương 361 triệu đồng.

    Từ đầu năm, Wu đã “tung tin” về việc bà có thể giới thiệu các cô gái trẻ người Việt cho đàn ông trong vùng. Nếu hai người ưng nhau, người nam sẽ phải trả cho bà Wu số tiền dựa trên số tuổi của cô gái. “Nếu cô gái trẻ, chi phí sẽ rất đắt. Nếu cô gái nhiều tuổi hơn chồng thì “giá” sẽ rẻ hơn”, Yuan nói trên tờ China Daily.

    Video tham khảo:

    Đang xác minh thông tin 100 cô dâu Việt mất tích ở TQ

    “Bà Wu sinh sống tại làng đã lâu và có một cháu trai 6 tuổi, tôi không nghĩ là bà ấy lại lừa tiền tôi”, Yuan nói thêm. Anh cũng cho biết, vợ mình là một cô gái dễ thương, trầm tính và là người anh hoàn toàn tin tưởng. Bà mối Wu Meiyu cũng đã bỏ đi cùng với tất cả những cô gái bà dắt mối. Người duy nhất trong gia đình bà Wu còn sót lại là ông bố chồng. Ông này nói rằng, Wu đi nước ngoài để sắp xếp giấy phép cho những cô dâu Việt có thể ổn định cuộc sống ở Trung Quốc.

    Một quan chức của tỉnh Hà Đan (từ chối cung cấp danh tính) nói rằng, có thể là một đường dây tội phạm có tổ chức đã giúp các cô dâu Việt bỏ đi tập thể. Nhân viên cảnh sát này cũng cho biết, việc “mua” cô dâu ngày càng phát triển ở các vùng nông thôn của Trung Quốc. Chính sách hạn chế sinh đẻ ở nước này đã khiến cho tỉ lệ nam nữ có sự chênh lệch lớn vì truyền thống nối dõi, kéo theo việc khan hiếm cô dâu và “chi phí” cho sính lễ ngày một đắt đỏ.

    Ngày 20/11, những cô dâu Việt nói với chồng Trung Quốc, họ đi ăn với bạn, sau đó không một ai trở về. Hiện, có nghi ngờ đây là một đường dây buôn người núp dưới danh nghĩa mai mối vợ Việt chồng Trung.

    Công an Hà Đan đã xác định có ít nhất 5 đối tượng tình nghi liên quan tới hoạt động lừa gạt hôn nhân và truy bắt được 3 đối tượng chủ chốt, trong đó có đối tượng móc nối với Wu Meiyu tại Quảng Tây (Trung Quốc) tên là Lý Hồng (nữ, 38 tuổi, người huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây) và hai đối tượng khác (một người họ Trương và một người họ Lý).

    Giấc mơ biến thành ác mộng

    Nạn buôn người hiện đang gia tăng ở Trung Quốc. Chỉ trong vài tháng qua, cảnh sát đã phá nhiều vụ án liên quan đến nô lệ tình dục, trong đó có một nhóm phụ nữ bị thiểu năng tâm thần bị bắt cóc và bán làm nô lệ tình dục với giá từ 10.000 đến 20.000 (34 - 68 triệu đồng).

    Cảnh sát Trung Quốc cảnh báo, các trung tâm và website môi giới hôn nhân thường nhắm đến những cô gái trẻ ở nông thôn và hứa hẹn, họ sẽ được lấy chồng giàu có sống ở thành phố lớn. Thực tế, một số cô gái Việt bị bán làm vợ cho những đàn ông thôn quê hoặc bị buộc phải bán dâm ở các tỉnh ven biển và biên giới như Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây.

    Trang Asia One đã ví, buôn bán phụ nữ Việt sang Trung Quốc là một ngành công nghiệp phát triển mạnh, mặc dù cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang đấu tranh để ngăn chặn. Cả hai nước đều có những hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ buôn bán người. Ở Trung Quốc, luật pháp trừng phạt cả người mua và người bán. Những kẻ buôn người có thể lĩnh án đến 10 năm tù.

    Không ai biết, có bao nhiêu phụ nữ trẻ bị bán qua biên giới – hoặc tham gia một cách vô tình vào đường dây của những kẻ buôn người bằng mong muốn đổi đời hay bị lừa bịp. Những nhà hoạt động liên quan đến việc giải cứu và phục hồi cho các nạn nhân trẻ khẳng định rằng, phần lớn trong số họ đều ngây thơ và cả tin. “Đa phần phụ nữ bước vào hôn nhân quốc tế đều đến từ các vùng nông thôn, thất nghiệp và ít học”, tổ chức Di cư Quốc tế nhận định.

    Cái nghèo kết hợp cùng với sự ngây thơ đã khiến họ gửi số phận mình cho một người không quen biết ở một đất nước xa lạ. Số hiếm vợ chồng của các cuộc hôn nhân này được hạnh phúc. Những người phụ nữ còn lại dù muốn cũng không bao giờ được ra đi, một số bị lạm dụng và bị đối xử như nô lệ, một số thậm chí còn bị bán lại.

    Quá ít trong số họ có thể thoát khỏi “chồng” khi may mắn kiếm được một chiếc điện thoại để cầu cứu cảnh sát hoặc vay được tiền để trả nợ và trở về nhà. Asia One phân tích, thông thường hầu hết phụ nữ bị buôn bán đều từ miền Bắc Việt Nam vì ở đây rất dễ sang Trung Quốc. Nhưng do nhu cầu cao, bọn buôn người đang “quăng lưới” xa hơn – bọn chúng đã Nam tiến.

    Tin quảng cáo cô dâu Việt trên web Trung

    Trên các trang web mai mối hôn nhân của Trung Quốc ngập tràn hình ảnh các cô gái Việt được quảng cáo là "tốt tính" và "biết nghe lời". "Chúng tôi thu 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng) để sắp xếp các cuộc hẹn ở TP. Hồ Chí Minh và nếu hai người quyết định kết hôn, chúng tôi thu thêm 36.000 NDT (khoảng 130 triệu đồng) để thu xếp đám cưới, trong đó có chụp ảnh", một nhân viên trang web môi giới cho biết. Để làm yên lòng khách hàng, các nhân viên môi giới còn đảm bảo: “Nếu bên nữ ly hôn hoặc bỏ trốn trong vòng hai tháng đầu, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tìm một người khác thay thế”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-100-co-dau-viet-mat-tich-dieu-tra-duong-day-buon-nguoi-a75040.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan