+Aa-
    Zalo

    Công nghệ lọc tiên tiến 6 bước trong kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển của Nhật Bản

    (ĐS&PL) - Quá trình xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển dự kiến diễn ra trong 30 năm, với các hoạt động chính bao gồm: đo lường, xử lý, pha loãng và xả.

    Như đã đưa tin, ngày 22/8, Thủ tướng Fumio Kishida thông báo Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vào ngày 24/8, nếu điều kiện thời tiết cho phép.

    "Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo kế hoạch được thực hiện một cách an toàn, ngay cả khi việc xả thải cần hàng chục năm để hoàn tất", ông Kishida tuyên bố.

    nhat ban xa nuoc thai tu nha may dien hat nhan fukushima ra bien cong bo quy trinh 6 buoc
    Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Ảnh: Getty

    Trước đó, hồi tháng 7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cũng đã bật đèn xanh cho kế hoạch này. Theo IAEA, kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tác động của nó đối với con người và môi trường là "không đáng kể".

    Cũng theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, nước thải chứa khoảng 190 becquerel tritium mỗi lít, thấp hơn nhiều so với giới hạn 10.000 becquerel do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra.

    Dù kết luận của IAEA không phải sự phê chuẩn, song có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và được xem như cơ sở tin cậy để các quốc gia đánh giá nguy cơ phóng xạ. Do đó, sau khi nhận được đèn xanh” từ IAEA, hôm 7/7, Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã cấp phép cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tiến hành kế hoạch xả thải.

    Theo kế hoạch này, khoảng 1,3 triệu tấn nước, phần lớn được sử dụng để làm mát chất phóng xạ ở lõi của lò phản ứng, sẽ được lọc và làm sạch trước khi bơm từ từ ra biển.

    8fd4923b451bd9464d9aa93d3939f5cd8
    Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), quá trình xả nước thải này của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu. Ảnh: AP

    Theo ông Junichi Matsumoto, giám đốc quản lý nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý của Công ty Kỹ thuật Khử ô nhiễm và Phá dỡ Fukushima số 1, quá trình xả thải dự kiến diễn ra trong 30 năm, theo quy trình 6 bước dưới đây:

    Đo lường

    Trước khi xả thải, công ty Điện lực Tokyo Tepco và các đơn vị khác sẽ kiểm tra nước ở nhiều giai đoạn khác nhau để xác định nồng độ của các chất phóng xạ có đáp ứng tiêu chuẩn hay không.

    Sử dụng ALPS

    Bằng hệ thống xử lý tiên tiến ALPS, nước thải bị ô nhiễm sẽ không còn chứa 62 loại đồng vị hạt nhân phóng xạ, ngoại trừ triti - một dạng phóng xạ của hydro

    Sau khi lọc, lượng nước sẽ được lưu trữ trong các bể chứa tại chỗ. Hiện vẫn có khoảng hơn 1.000 bể bằng thép không gỉ tại khu vực nhà máy để chứa nước thải hạt nhân.

    Đo nồng độ các chất phóng xạ của nước thải tại bể chứa

    Nước đã qua xử lý được đưa qua một loạt bể chứa. Tepco cùng hai đơn vị khác sẽ đo nồng độ của các chất phóng xạ để chuẩn bị cho bước tiếp theo. (Tuy nhiên, triti - một dạng phóng xạ của hydro vẫn còn tồn tại).

    Nước di chuyển qua thống đường ống và đến khu vực pha loãng

    Nếu các thử nghiệm đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn, lượng nước thải sau khi được xử lý sẽ được chuyển qua cơ sở nhà máy điện để chuẩn bị sang bước tiếp theo. Nếu không, nó sẽ được xử lý một lần nữa thông qua hệ thống lọc.

    Pha loãng với nước biển

    Nước biển sẽ được hút vào 3 máy bơm và dẫn đến đầu ống dẫn. Nước thải qua xử lý cũng chảy đến đó, hòa cùng nước biển để làm loãng nồng độ triti.

    Phần nước thải sau khi xử lý ở bước này sẽ chuyển đến bể chứa thượng nguồn hình chữ nhật.

    Tepco sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra sâu hơn trong nước để xác định hàm lượng triti đã đáp ứng quy định hay chưa. Sau khi bể chứa thượng nguồn đầy, nước sẽ chảy vào bể sâu hơn ở hạ nguồn - được kết nối với đường ống dưới đáy biển để xả.

    Xả

    Sau khi hoàn tất mọi quy trình xử lý, nước thải hạt nhân sẽ được xả thông qua một đường ống ngầm 1km dẫn vào Thái Bình Dương.

    8fd4923b451bd9464d9aa93d3939f5cd
    6 bước trong oạt động xử lý nước thải từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. Ảnh: Bloomberg

    Tokyo khẳng định nước thải đã được xử lý sẽ không gây nguy hiểm cho con người hay sinh vật biển, nhưng các nước láng giềng của Nhật Bản chưa thực sự tin tưởng.

    Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm bức xạ trên các sản phẩm thủy sản từ nước láng giềng trong một nỗ lực rõ ràng nhằm thúc giục Tokyo dừng kế hoạch trên.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 22/8 cho biết kế hoạch xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển của chính phủ Nhật Bản là “vô trách nhiệm”. “Đại dương nuôi sống nhân loại. Nó không phải là cống thoát nước bị ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản”, ông Vương nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày, gọi kế hoạch của Nhật Bản là “phi lý, vô lý và không cần thiết”.

    Trong khi đó, ông Park Ku-yeon, quan chức Văn phòng Điều phối Chính sách chính phủ Hàn Quốc, cho biết Seoul không phát hiện có vấn đề về khoa học hay kỹ thuật trong kế hoạch xả thải của Tokyo. Ông Park cũng nêu rõ chính phủ Hàn Quốc không phản đối, nhưng cũng không ủng hộ động thái.

    Hàn Quốc sẽ đề nghị Nhật Bản dừng xả thải ngay lập tức nếu nồng độ phóng xạ trong nước vượt quá tiêu chuẩn, theo ông Park. Các nhà hoạt động Hàn Quốc trước đó cũng phản đối kế hoạch, dù Seoul đã thực hiện nghiên cứu riêng, kết luận nước xả thải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tôn trọng đánh giá từ IAEA.

    8fd4923b451bd9464d9aa93d3939f5cd800
    Các nước láng giềng vẫn còn nhiều hoài nghi về mức độ an toàn trong kế hoạch xả thải của Nhật Bản.

    Tại chính Nhật Bản, ngư dân địa phương đã phản đối kế hoạch xả nước trong bối cảnh lo ngại rằng danh tiếng các sản phẩm hải sản có thể bị tổn hại thêm, khi họ đã phải nỗ lực nhiều năm để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Trước những lo ngại từ cộng đồng ngư dân, chính phủ đã quyết định xả nước thải đã qua xử lý trước khi bắt đầu mùa đánh cá bằng lưới kéo ngoài khơi Fukushima vào tháng 9.

    Vào ngày 11/3/2011, ba lõi lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã trải qua một cuộc khủng hoảng, khi vùng Đông Bắc Nhật Bản bị tàn phá do thảm họa kép động đất - sóng thần gây ra. Kể từ đó, một lượng lớn nước đã được sử dụng mỗi ngày để làm nguội các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân, trong khi hàng trăm nghìn lít nước mưa hoặc nước ngầm đã tràn vào khu vực này.

    Chính quyền Nhật Bản ban đầu quyết định lưu trữ nước bị ô nhiễm trong các bể chứa khổng lồ nhưng hiện đã hết chỗ. Khoảng 1.000 bể chứa đã được xây dựng để chứa 1,3 triệu tấn nước thải hiện nay. Giới chức cảnh báo rằng dung lượng lưu trữ đang gần đạt giới hạn và sẽ đạt mức bão hòa vào năm 2024. Nhà máy điện Fukushima Daiichi cũng nằm trong khu vực có nguy cơ động đất cao – nghĩa là một cơn chấn động mới có thể khiến các thùng chứa bị rò rỉ.

    Để tránh một sự cố như vậy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả dần hàng triệu tấn nước ra Thái Bình Dương trong vòng 30 năm tới.

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ban-su-dung-nghe-loc-tien-tien-6-buoc-trong-ke-hoach-xa-nuoc-thai-tu-nha-may-dien-hat-nhan-fukushima-ra-bien-a588049.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan